15 tháng 4, 2008

Ảnh bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha

Bộ trưởng quốc phòng mới được bổ nhiệm của Tây Ban Nha đang duyệt đội quân danh dự.

Nguồn: International Herald Tribune, 15/4/2008
1. Bộ trưởng quốc phòng mới được bổ nhiệm ngày hôm qua 14/4/2008 là phụ nữ.
2. Bà ta 37 tuổi.
3. Bà ta đang có thai tháng thứ 7.
4. Ba ta không có kinh nghiệm quân đội.
5. Nền văn hóa, chính trị, quan niệm quản lý công của ta phải phát triển đến mức như thế nào để chúng ta có thể chiêm ngưỡng tấm hình của ta như hình này?

Kiềm chế giá bằng cách nào?

Giải pháp nào để kiềm chế giá tăng?

1. Tin này trên Tuổi trẻ:

Hai doanh nghiệp nhận được yêu cầu không được tăng giá bán thịt heo từ lãnh đạo UBND TP.HCM là Công ty TNHH một thành viên VN kỹ nghệ súc sản (Vissan) và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.

2. Tin này trên SGGP. Lãnh đạo công ty Vissan trả lời phỏng vấn về các biện pháp kiềm chế tăng giá thịt heo từ góc độ công ty.

Chúng tôi đề nghị được giảm ngay các loại thuế xuất nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc, giảm tối đa thuế nhập khẩu các loại thịt nguyên liệu để doanh nghiệp có thể giảm giá thành. Rất cần có sự phối hợp với các ngành, địa phương để kiểm soát và ngăn chặn nạn xuất khẩu heo choai, thịt đông lạnh qua biên giới ; tăng cường các biện pháp phòng dịch để bảo vệ đàn gia súc, gia cầm cũng như cần tổ chức liên kết các nhà chăn nuôi trong nước để có những biện pháp hỗ trợ phát triển ngành chăn nuôi.

Về giải pháp lâu dài, Nhà nước cần xây dựng cụ thể các chính sách phát triển chăn nuôi; có chế độ hỗ trợ, ưu đãi để người dân mạnh dạn đầu tư lâu dài. Cần có các chính sách ưu đãi để phát triển các vùng cây nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc; củng cố và có biện pháp bảo đảm an toàn dịch bệnh; thành lập các tập đoàn chăn nuôi, xây dựng các trại giống hạt nhân và chuyên môn hóa vùng cùng khu vực chăn nuôi.

3. Mượn ý của cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá VN Mai Liêm Trực "Trình độ quản lý của VFF thấp hơn mặt bằng xã hội", nay ta nói lại:

Trình độ quản lý của các quan chức TP. HCM thấp hơn mặt bằng xã hội.

Nói một cách nôm na là thấp hơn cả mấy tay chọc tiết heo.

14 tháng 4, 2008

Gạo VN được ưa chuộng ở Singapore???

Gạo Việt Nam được ưa chuộng tại Sinpapore, số lượng bán tăng gấp đôi, theo Tuổi trẻ (dẫn từ tin của Straits Times).

Nhưng mà nghe xong không biết nên vui hay buồn. Cũng theo tin trên, giá gạo Việt Nam là 5.75 USD/ 5kg, giá gạo của Thái lan là 20.8 USD/10kg. Mà gạo Việt Nam thì "đánh bại về mùi thơm và hình dáng". Ngon thế mà giá chỉ bằng hơn nửa giá của Thái lan.

Thế có nghĩa là được ưa chuộng bởi giá rẻ. Kinh tế học căn bản: giá rẻ - cầu cao.

Đi sâu vào vấn đề hơn một chút, ở Việt Nam, xuất khẩu gạo được 2 tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam quản. Thành tích thắng thầu hay "được ưa chuộng" của 2 đại gia quốc doanh này mà ta hay thấy trên báo chí có một nguyên nhân: giá xuất khẩu rẻ. Hai tổng công ty này không dự đoán được thị trường nên đã ký hợp đồng bán gạo giá rẻ trong khi giá gạo thế giới lên hàng ngày.

Kết quả là giá gạo lên nhưng người nông dân Việt Nam không được hưởng nhiều lợi ích, trong khi đó vẫn phải trả giá cao cho phân bón, thuốc trừ sâu v.v.

Báo Tuổi trẻ đăng tin này là có ý gì nhỉ? Hay là theo ý các sếp bên Thành đoàn mới được điều động qua làm lãnh đạo báo, đăng lên cho nó khí thế dân Việt nhỉ, mình cũng giỏi nhỉ?

4 tháng 4, 2008

Bia và thành quả nghiên cứu khoa học

Báo The New York Times ra ngày 18/3 có bài về mối quan hệ giữa thành quả nghiên cứu khoa học và bia.

After years of argument over the roles of factors like genius, sex and dumb luck, a new study shows that something entirely unexpected and considerably sudsier may be at play in determining the success or failure of scientists — beer.

According to the study, published in February in Oikos, a highly respected scientific journal, the more beer a scientist drinks, the less likely the scientist is to publish a paper or to have a paper cited by another researcher, a measure of a paper’s quality and importance.

Theo một nghiên cứu thực hiện ở Cộng hòa Séc, lượng bia mà nhà khoa học uống có quan hệ nghịch với kết quả nghiên cứu khoa học, nghĩa là lượng bia uống càng nhiều, cơ hội để công trình nghiên cứu được xuất bản càng ít hoặc nghiên cứu của mình được các nhà nghiên cứu khác trích dẫn càng ít.

Nhưng nghiên cứu này lại không chỉ ra là uống bia làm giảm khả năng nghiên cứu khoa học hay kết quả nghiên cứu khoa học tệ quá nên uống nhiều bia.

Còn ở Việt Nam thì sao nhỉ? Cần có nghiên cứu!!! Đây là giả thuyết của tôi: Lượng bia uống và học hàm học vị của nhà khoa học có tương quan dương.

Nếu kết quả nghiên cứu là không thể bác bỏ giả thuyết trên, cần chú ý nghiên cứu thêm quan hệ nhân quả (causality): uống bia nhiều thì học hàm học vị nhiều, hay học hàm học vị nhiều thì uống bia nhiều, hay cả hai.

Xã hội hóa việc chống lạm phát

Chống lạm phát không còn là chuyện của Ngân hàng Nhà nước và bộ Tài chính nữa, mà nay đã là sự nghiệp của toàn dân. TTXVN truyền từ cuộc họp giữa Thủ tướng và Mặt trận TQVN:

Đoàn chủ tịch cũng kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước tham gia kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chắc sắp tới sẽ đến lượt Đoàn TNCS HCM, rồi sau đó là Liên hiệp phụ nữ VN...

Ở nước ta cái gì cũng xã hội hóa được*. Bây giờ là xã hội hóa việc chống lạm phát. Nếu có chống không được thì là do xã hội chưa thấm nhuần và thực hiện tốt chủ trương đấy nhé.

____________

* Xã hội hóa là một khái niệm cực kỳ biến ảo, chẳng hạn tư nhân hóa giáo dục, đẩy nền giáo dục ra cho giới kinh doanh mần thịt gọi là xã hội hóa giáo dục.

2 tháng 4, 2008

Giải pháp cho vấn đề cà phê ở Tây Nguyên?

Vấn đề cà phê ở Tây nguyên hiện nay, theo bài báo này trên Tuổi trẻ là: do giá tăng, dân đổ xô vào trồng, như vậy dẫn đến độc canh cà phê và sẽ rất rủi ro khi cà phê rớt giá (năm 1999 chỉ có 4,000 đồng/kg, hiện nay là 40,000 đồng/kg) và trồng nhiều cà phê sẽ làm hụt lượng nước ngầm.

Như vậy nhà nước muốn giải quyết 2 chuyện: (1) giảm diện tích trồng cà phê và (2) tránh suy thoái môi trường do lượng nước ngầm sụt giảm.

Nhà nước đang làm gì để giải quyết 2 vấn đề trên, mà thực ra chỉ là giảm diện tích cà phê? Giải pháp chính là chính quyền địa phương khuyến cáo người dân đừng trồng cà phê nữa, lý lẽ sẽ là độc canh cà phê có nhiều rủi ro về giá và làm suy kiệt tầng nước ngầm, sẽ ảnh hưởng đến môi trường cho thế hệ tương lai.

Lý lẽ về rủi ro không ổn ở chỗ hộ gia đình mới chính là người biết rõ phúc lợi của mình, họ hiểu quyết định đầu tư sản xuất của mình, chính họ tính toán cân nhắc các rủi ro. Không có một xã hội bao gồm các gia đình đồng nhất để nhà nước có thể ra một quyết định đầu tư đúng cho mọi nhà. Mỗi cá thể sẽ tự quyết định để tối đa hóa lợi ích của mình và qua đó cải thiện phúc lợi xã hội.

Lý lẽ về môi trường không có tác dụng ở chỗ tầng nước ngầm là loại tài nguyên chung, tự do tiếp cận (common resource), chịu cái gọi là bi kịch của của chung (tragedy of the common), người dân sẽ lao vào cuộc đua khai thác cho đến khi cạn kiệt.

Tại sao nhà nước lại chỉ khuyến cáo mà không ra các quyết định hành chính hạn chế trồng cà phê? Câu trả lời xác đáng này từ chủ tịch UBND xã Ea Ral Nguyễn Hoài Linh "Người dân đã được cấp quyền sử dụng đất, giá cà phê tăng cao, thấy có lợi là họ trồng, không có chính quyền nào ép họ phải trồng cây này hoặc phải nuôi con kia được cả”.

Ngoài ra, một vấn đề nữa liên quan đến chuyện nước ngầm và cà phê mà bài báo trên không đề cập: người trồng cà phê có xu hướng sử dụng quá mức lượng nước cần thiết để tưới cà phê. Họ có niềm tin rằng cây cà phê càng có nhiều nước tưới sẽ cho năng suất càng cao. Tuy nhiên về mặt khoa học điều này không đúng. Nghiên cứu mới nhất (ĐH Quốc gia Úc và Đại học Kinh tế TP.HCM) cho thấy 130.000 hecta cà phê Robusta ở Tây nguyên sử dụng quá mức cần thiết 300 triệu m3 nước, chiếm 25% lượng nước nạp vào tầng nước ngầm hàng năm. Nhà nước giải quyết vấn đề này bằng cách mở các lớp khuyến nông, huấn luyện nông dân cách dùng nước hợp lý. Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu trên, các lớp khuyến nông tỏ ra không có hiệu quả. Nông dân tham dự các lớp này cũng dùng nhiều nước tưới như những nông dân không tham dự.

Vậy nhà nước cần giải quyết như thế nào? Có một câu trả lời: hãy đánh thuế lên việc sử dụng tài nguyên nước ngầm, chẳng hạn X đồng trên 1 hecta cà phê*. Cà phê là một mặt hàng cạnh tranh rất gay gắt và giá được quyết định bởi thị trường thế giới, cho nên người trồng cà phê khó có thể chuyển khoản thuế này vào giá cho người tiêu dùng. Người trồng cà phê phải chịu khoản thuế này như là một chi phí đầu vào tăng thêm. Như vậy lợi nhuận từ cà phê sẽ giảm. Diện tích trồng cà phê sẽ bị điều chỉnh theo. Nước tưới theo đó cũng sẽ giảm theo.

Như vậy thuế nước ngầm sẽ là công cụ điều tiết diện tích trồng cà phê, chứ không phải là một mệnh lệnh hành chính nào đó. Khoản thu từ thuế nước ngầm có thể được dùng cho các công trình, dự án bảo vệ môi trường làm tăng lượng nước ngầm.

Một mũi tên hạ được 2 con chim.
________________
* Mức thuế thu theo diện tích sẽ không có tác dụng khuyến khích nông dân tiết kiệm nước tưới trên mỗi cây cà phê. Có thể dùng thuế thu theo lượng nước tưới, mặc dù hơi phức tạp về phương diện quản lý. Sẽ bàn chuyện này trong một bài sau.

27 tháng 3, 2008

Có lòng tin?

'Nếu có tiền, tôi sẽ dốc hết để mua cổ phiếu tại thời điểm này. Rất nhiều người đã hỏi tôi về cách thức đầu tư và tôi đều khuyên họ nên tiếp tục mua vào".

Câu trên là của Bộ trưởng tài chính trên báo vnexpress ngày 26/03/2008 (http://vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/2008/03/3BA00AA4/). Phát biểu này được đưa ra khi TTCK VN xuống dốc không phanh. Có vẻ như đây cũng là một trong những cách mà bộ trưởng Tài chính muốn cứu thị trường chứng khoán. Cách này cũng khá phổ biến trên thế giới. Thỉnh thoảng đọc tin lại thấy đại loại như tổng thống Mỹ hay chủ tịch Quỹ dự trữ liên bang Mỹ tuyên bố gì đó, và sau đó thì TTCK tỏ dấu hiệu lạc quan bằng cách lên vài điểm. Mấu chốt của vấn đề là định hướng kỳ vọng của nhà đầu tư. Và các quan chức trên có thể làm được điều này. Nhà đầu tư tin vào phát biểu của các quan chức.

Việt Nam ta áp dụng được cách này chăng? Tôi tin rằng ít người tin vào phát biểu trên của ông Bộ trưởng. Nói chung là lòng tin của dân vào các quan đã bay đâu hết rồi.

Ngay cả mấy từ này "nếu có tiền...thì tôi..." đã làm người ta không tin rồi, huống chi nội dung của cả câu ông nói. Nhà ông Bộ trưởng mà không có tiền sao? Thật khó tin. Có ngon ông hãy bỏ ra chẳng hạn 100 triệu đồng mua cổ phiếu đi, sau đó lên báo nói tôi vừa mua vào cổ phiếu A, B, C gì đó. Hay là tiền của nhà ông được đầu tư vào địa ốc, vàng hay mấy liên doanh lắp ráp ô tô trong nước mất rồi, thì lấy đâu ra mà đầu tư chứng khoán. Theo lô gích này thì hóa ra ông dạy rằng đừng có ngu gì mà đầu tư vào chứng khoán nữa.

Lòng tin là một phần của vốn xã hội. Vốn xã hội cũng là một loại vốn để phát triển, giống như vốn bằng tiền, vốn nhân lực hay vốn tài nguyên thiên nhiên. Càng nhiều vốn xã hội, cơ hội phát triển càng cao.

Một xã hội rời rạc, lừa dối, hỗn loạn thì kiếm ra đâu vốn xã hội bây giờ.

18 tháng 3, 2008

Gia đình là gì?

Cái tiêu đề có vẻ hoàng tráng vậy nhưng thực ra bài này sẽ tào lao về chuyện chủ thể gia đình được sử dụng trong kinh tế học như thế nào.

Kinh tế học tân cổ điển (neoclassical economics) thịnh hành từ trước đến giờ thường phân tích hành vi kinh tế của cá nhân. Xã hội là tập hợp các cá nhân riêng rẽ. Hiểu được hành vi kinh tế của cá nhân sẽ hiểu được hành vi của cả xã hội (chắc không???). Các nhà kinh tế học tân cổ điển cắm đầu nghiên cứu xem cá nhân ra quyết định đầu tư như thế nào, tại sao bác nông dân quyết định nuôi bò mà không trồng lúa, cái gì thúc đẩy bà nội trợ quyết định giảm chi tiêu ăn uống để giành tiền cho con đi học v.v. Thông thường cách làm là quan sát và ghi lại hành vi của những cá nhân này, hoặc là làm bảng câu hỏi hỏi họ trực tiếp về những quyết định này. Từ đó nhà kinh tế học khái quát hóa, mô hình hóa dữ liệu rồi đưa ra lời phán phải thế này thế kia v.v.

Vấn đề mấu chốt là trong thực tế bà nội trợ hay bác nông dân đâu bao giờ ra quyết định một mình, họ dường như luôn luôn tham khảo ý kiến của gia đình. Vậy là gia đình ra quyết định chứ không phải cá nhân ra quyết định. Trong trường hợp này kinh tế học phải nghiên cứu hành vi của nhóm chứ không phải hành vi của cá nhân.

Hành vi của một nhóm người thì mười mươi phức tạp đứt đuôi con nòng nọc hơn là hành vi của cá nhân rồi. Đã xuất hiện một nhóm các nhà kinh tế học đang gắng sức xây dựng mô hình ra quyết định của hộ gia đình. Lý thuyết trò chơi được đưa vào, khái niệm dân chủ, sự tham gia, cách thức ra quyết định được đưa vào...Và tất cả những thứ đó đều dựa trên nền tảng khái niệm gia đình tiêu biểu bao gồm cha mẹ và con cái. Cụ thể nhà nghiên cứu sẽ quan tâm đến gia đình đó có mấy người, tuổi tác ra sao, thu nhập từng người như thế nào...

Kiểu định nghĩa về gia đình gồm cha mẹ và con cái này có thể đúng cho các nước phương Tây chứ chưa chắc đúng cho Việt Nam. Tại sao vậy? Ví dụ nhé: ở phương Tây bạn tìm đỏ mắt mới thấy loại xe 7 chỗ ngồi. Gia đình thường sở hữu loại xe 4 chỗ có một khoảng rộng phía sau để chất hành lý (hoặc cho một chú chó ngồi). Ở Việt Nam, xe 7 chỗ được gọi là xe gia đình! Gia đình thì cũng có khoảng 4 người thôi, gồm cha mẹ và 2 con, nhưng xe thì phải 7 chỗ! Nghĩa là gia đình sẽ bao gồm phần lõi, phần cứng và phần ngoại vi, phần mềm. Phần ngoại vi này có thể là ông bà, cậu dì hoặc bạn bè, tùy từng trường hợp.

Cái quyết định kinh tế hay hành vi nhóm của gia đình người Việt Nam sẽ bị tác động bởi cả hai thành phần lõi và ngoại vi với các mức độ khác nhau.

Các nhà kinh tế học phương tây chắc chưa biết điều này. Và đây sẽ là cơ hội cho các nhà kinh tế học Việt Nam.

10 tháng 3, 2008

Người trí thức đang nghĩ gì?

Tôi có nhiều cuộc nói chuyện với bạn bè doanh nhân. Nội dung của hầu hết các cuộc nói chuyện đều là về đầu tư, mua bán, vay nợ, chuyện giá cả lên xuống như thế nào, vụ làm ăn này sẽ ra sao, vụ làm ăn tới sẽ như thế nào. Còn nhớ cách đây chỉ khoảng 2 năm, khi ngồi với nhau, chúng tôi nói về đủ thứ chuyện, từ kinh tế đến văn hóa chính trị xã hội. Bây giờ chỉ còn là kinh tế.

Ở các xã hội phát triển hơn, điều thường thấy là doanh nhân bàn về chuyện làm ăn, tầng lớp trí thức thì trăn trở về các vấn đề văn hóa chính trị xã hội. Ai chuyên nghiệp theo đường của người nấy.

Ở ta thì sao nhỉ? Các doanh nhân đã xác định rõ là họ quan tâm nhất đến các cơ hội kinh tế và những lĩnh vực liên quan.

Còn tầng lớp trí thức của ta thì sao? Dường như trí thức của ta rất thích nói đến đầu tư địa ốc, chơi chứng khoán, đầu tư vào đâu để giàu nhanh nhất...

Còn ai suy tư về phận dân, vận nước...

5 tháng 3, 2008

Nghĩ khác

Bạn hãy nhìn xung quanh xem "nghĩ khác" có tồn tại ở Việt Nam hiện nay không.

Khoảng nửa cuối năm 2007, khi tình hình lạm phát cao được bắt đầu đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, có một bài viết của một chuyên gia kinh tế ở Sì gòong cho rằng lạm phát của ta là do thừa cung tiền và cần phải có chính sách tiền tệ thích hợp. Sau đó, có thể thấy báo chí phỏng vấn hàng loạt chuyên gia kinh tế đủ loại, ai cũng cho rằng nguyên nhân lạm phát là do nhiều tiền đồng quá và giải pháp phải tập trung vào chính sách tiền tệ.

Nay thì có "toa thuốc mới chống lạm phát" (Tuổi trẻ 5/3/2008). Ấy là công cụ tài chính, giảm chi tiêu công, thắt lưng buộc bụng. Tình hình bạn sẽ thấy trên trang kinh tế của các báo trong thời gian tới là: hàng loạt các chuyên gia kinh tế đủ loại sẽ phân tích cho rằng lạm phát là do chi tiêu công tràn lan không hiệu quả và cần phải sử dụng các công cụ tài chính. Các lý lẽ sẽ rất hay.

Có một phát pháo được bắn ra từ đâu đó, các nhà phân tích hàng đầu cứ theo đó mà "phân tích", thật là an toàn, chẳng sợ sai, vì nếu sai thì đâu chỉ mình ta sai.

Có ai nghĩ khác không nhỉ?

Tại sao người Việt Nam hung hăng?

Tôi xin trả lời ngay, là do câu này: "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Có thể có cách hiểu sâu xa về "roi vọt" là cái gì gì đó, ở đây tôi cứ hiểu nó là đánh, là đét đít, là la mắng hay những hoạt động thể lực tương tự như vậy.

Phải giải quyết mệnh đề này trước: "người Việt Nam hung hăng". Chúng ta có hung hăng không nhỉ? Có một vụ quẹt xe giữa đường, cảnh tượng thường thấy là hoặc 1 hay cả 2 đương sự nhảy xuống mặt đỏ tía tai hét vào nhau. Hoặc trong một mâu thuẫn nào đó, bạn thường nghĩ là phải bụp đối phương mới được, rồi ra sao thì sao. Hung hăng là vậy. Đối mặt với một vấn đề nào đó, người ta không suy xét giải quyết theo logic và hướng đến một kết quả hòa bình mà thường là bị một xung lực vô hình nào đó dẫn dắt làm cả người sôi lên và đinh ninh một cách vô thức rằng vũ lực sẽ giúp giải quyết được vấn đề.

Xung lực vô hình gây hung hăng từ đâu ra? Trả lời một cách nghiêm túc theo các lý thuyết tâm lý xã hội lịch sử văn hóa học học thì lâu quá và cũng ngoài khả năng, tôi áp dụng "phương pháp quan sát" vậy.

Tôi có niềm tin thế này: con nít như tờ giấy trắng, người lớn làm sao thì con nít sẽ bắt chước theo như vậy. Tôi có một người quen, có con nhỏ khoảng 3 tuổi. Thằng bé mũm mĩm dễ thương. Chỉ có cái tật hay giơ tay tát bất cứ ai lại gần. Và khi không vừa ý gì thì hay cắn, đánh người xung quanh. Ba bé đi làm suốt ngày. Mẹ bé nuôi bé một mình, lại ở nơi đất khách quê người, nên gần như bị stress, nhiều khi nóng quá hay mắng và đét đít bé. Để ý quan sát sẽ thấy trong khá nhiều trường hợp, con nít, dù rất nhỏ, có khi chưa đến 2 tuổi, đã biết đánh bạn, đánh cả người lớn. Hỏi kỹ hơn thì thấy trong đa số trường hợp, cha mẹ hay giáo dục các bé bằng đét đít hay la mắng. Để thuyết phục các bé nghe theo mình, cách đơn giản nhất, không cần suy nghĩ nhất của người lớn là dùng sức mạnh, vũ lực. Trẻ con học điều này nhanh lắm. Học một cách vô thức thôi. Các hình ảnh được ghi vào trong đầu và được đem ra sử dụng một cách vô thức một lúc nào đó. Bạo lực sinh ra bạo lực.

Điều kể trên có phổ biến ở Việt Nam không? Tôi tin là có, nhất là ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị của người lao động phổ thông.

Bạn cũng có thể cắc cớ hỏi tiếp: mà hung hăng vậy thì có thiệt đồng nào đâu, xã hội mình vẫn ào ào tăng lên đó thôi, GDP vẫn tăng hàng năm 8 - 9% đó ...Tôi sẽ không trả lời bạn theo kiểu nếu không hung hăng thì GDP của mình đã tăng hàng năm trên 10%. Tôi chẳng có căn cứ gì để nói vậy cả. Nhưng tôi chắc chắn rằng ai bị hung hăng sẽ buồn, người chủ động hung hăng rồi cũng sẽ buồn, mệt mỏi, bực tức. Chất lượng cuộc sống sẽ giảm so với trường hợp không hung hăng.

Làm thế nào để khỏi hung hăng? Cứ theo logic trên thì đơn giản lắm, cha mẹ đừng đánh đập con cái nữa là được. Cha mẹ dịu dàng, coi trọng con nhỏ thì con nhỏ sẽ học được điều này và hành xử như vậy với người khác.

Nhưng cái khó, và có thể nói cực khó là ở điểm, cái gì có thể làm với 1 người không chắc có thể làm được với nhiều người. Có thể thuyết phục được 1 bậc cha mẹ thay đổi cách hành xử với con, nhưng làm thế nào để mọi người làm cha mẹ nghe theo?