2 tháng 4, 2008

Giải pháp cho vấn đề cà phê ở Tây Nguyên?

Vấn đề cà phê ở Tây nguyên hiện nay, theo bài báo này trên Tuổi trẻ là: do giá tăng, dân đổ xô vào trồng, như vậy dẫn đến độc canh cà phê và sẽ rất rủi ro khi cà phê rớt giá (năm 1999 chỉ có 4,000 đồng/kg, hiện nay là 40,000 đồng/kg) và trồng nhiều cà phê sẽ làm hụt lượng nước ngầm.

Như vậy nhà nước muốn giải quyết 2 chuyện: (1) giảm diện tích trồng cà phê và (2) tránh suy thoái môi trường do lượng nước ngầm sụt giảm.

Nhà nước đang làm gì để giải quyết 2 vấn đề trên, mà thực ra chỉ là giảm diện tích cà phê? Giải pháp chính là chính quyền địa phương khuyến cáo người dân đừng trồng cà phê nữa, lý lẽ sẽ là độc canh cà phê có nhiều rủi ro về giá và làm suy kiệt tầng nước ngầm, sẽ ảnh hưởng đến môi trường cho thế hệ tương lai.

Lý lẽ về rủi ro không ổn ở chỗ hộ gia đình mới chính là người biết rõ phúc lợi của mình, họ hiểu quyết định đầu tư sản xuất của mình, chính họ tính toán cân nhắc các rủi ro. Không có một xã hội bao gồm các gia đình đồng nhất để nhà nước có thể ra một quyết định đầu tư đúng cho mọi nhà. Mỗi cá thể sẽ tự quyết định để tối đa hóa lợi ích của mình và qua đó cải thiện phúc lợi xã hội.

Lý lẽ về môi trường không có tác dụng ở chỗ tầng nước ngầm là loại tài nguyên chung, tự do tiếp cận (common resource), chịu cái gọi là bi kịch của của chung (tragedy of the common), người dân sẽ lao vào cuộc đua khai thác cho đến khi cạn kiệt.

Tại sao nhà nước lại chỉ khuyến cáo mà không ra các quyết định hành chính hạn chế trồng cà phê? Câu trả lời xác đáng này từ chủ tịch UBND xã Ea Ral Nguyễn Hoài Linh "Người dân đã được cấp quyền sử dụng đất, giá cà phê tăng cao, thấy có lợi là họ trồng, không có chính quyền nào ép họ phải trồng cây này hoặc phải nuôi con kia được cả”.

Ngoài ra, một vấn đề nữa liên quan đến chuyện nước ngầm và cà phê mà bài báo trên không đề cập: người trồng cà phê có xu hướng sử dụng quá mức lượng nước cần thiết để tưới cà phê. Họ có niềm tin rằng cây cà phê càng có nhiều nước tưới sẽ cho năng suất càng cao. Tuy nhiên về mặt khoa học điều này không đúng. Nghiên cứu mới nhất (ĐH Quốc gia Úc và Đại học Kinh tế TP.HCM) cho thấy 130.000 hecta cà phê Robusta ở Tây nguyên sử dụng quá mức cần thiết 300 triệu m3 nước, chiếm 25% lượng nước nạp vào tầng nước ngầm hàng năm. Nhà nước giải quyết vấn đề này bằng cách mở các lớp khuyến nông, huấn luyện nông dân cách dùng nước hợp lý. Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu trên, các lớp khuyến nông tỏ ra không có hiệu quả. Nông dân tham dự các lớp này cũng dùng nhiều nước tưới như những nông dân không tham dự.

Vậy nhà nước cần giải quyết như thế nào? Có một câu trả lời: hãy đánh thuế lên việc sử dụng tài nguyên nước ngầm, chẳng hạn X đồng trên 1 hecta cà phê*. Cà phê là một mặt hàng cạnh tranh rất gay gắt và giá được quyết định bởi thị trường thế giới, cho nên người trồng cà phê khó có thể chuyển khoản thuế này vào giá cho người tiêu dùng. Người trồng cà phê phải chịu khoản thuế này như là một chi phí đầu vào tăng thêm. Như vậy lợi nhuận từ cà phê sẽ giảm. Diện tích trồng cà phê sẽ bị điều chỉnh theo. Nước tưới theo đó cũng sẽ giảm theo.

Như vậy thuế nước ngầm sẽ là công cụ điều tiết diện tích trồng cà phê, chứ không phải là một mệnh lệnh hành chính nào đó. Khoản thu từ thuế nước ngầm có thể được dùng cho các công trình, dự án bảo vệ môi trường làm tăng lượng nước ngầm.

Một mũi tên hạ được 2 con chim.
________________
* Mức thuế thu theo diện tích sẽ không có tác dụng khuyến khích nông dân tiết kiệm nước tưới trên mỗi cây cà phê. Có thể dùng thuế thu theo lượng nước tưới, mặc dù hơi phức tạp về phương diện quản lý. Sẽ bàn chuyện này trong một bài sau.

3 nhận xét:

Unknown nói...

PKN: * Mức thuế thu theo diện tích sẽ không có tác dụng khuyến khích nông dân tiết kiệm nước tưới trên mỗi cây cà phê. Có thể dùng thuế thu theo lượng nước tưới, mặc dù hơi phức tạp về phương diện quản lý. Sẽ bàn chuyện này trong một bài sau.

cũng giống như việc làm sao hạn chế xe máy ra đường? đánh thuế một lần khi mua? mỗi năm một lần? hay là đánh thuế trên số lit xăng tiêu dùng? Có lẽ p/a cuối cùng mang lại hiệu quả hơn. Tuy nhiên nếu thuế đánh một lần/năm đủ cao thì cũng mang lại hiệu quả.

Phạm Khánh Nam nói...

Vũ, đánh thuế một lần/năm dẫu có cao thì cũng không tạo động lực tiết kiệm nước. Nó chỉ làm chi phí sản xuất nói chung tăng cao thôi. Cái khó của nước tưới là nhà quản lý không biết nông dân sử dụng bao nhiêu nước (giống vấn đề non-point pollution - không biết mỗi người xả thải bao nhiêu). Về mặt kinh tế học, đây là vấn đề "moral hazard". Theo lý thuyết có thể dùng loại thuế giống như "ambient tax". Không biết về mặt kỹ thuật, người ta có thể có kết quả quan trắc mực nước ngầm một cách tin tưởng được không. Nếu được thì có thể dùng kiểu như "ambient tax" được.

Unknown nói...

exactly, it does!