29 tháng 8, 2010

Lảm nhảm về 1 nghiên cứu xã hội học

Thú thật đây là lần đầu tiên tui đọc toàn bộ một nghiên cứu xã hội học đăng trên tạp chí chuyên ngành. Đó là bài của một bạn đang làm nghiên cứu sinh ngành xã hội học tại University of California, Berkeley, nghiên cứu về lao động tình dục ở Tp. HCM. Bạn ấy dành khoảng 7 tháng trong 2 năm 2006-2007 gặp gỡ nói chuyện phỏng vấn được 54 người bán và 26 người mua. Bạn ấy muốn xem "lao động cảm xúc" (emotional labor) khác nhau như thế nào trong 3 cấp thị trường mại dâm: rẻ tiền - trung bình - cao cấp. Lao động cảm xúc là bán cảm xúc để lấy tiền. Kết quả nghiên cứu cho thấy lao động cảm xúc trong công nghiệp tình dục ở Tp.HCM là khác nhau trong 3 cấp thị trường này. Một số nhận xét:

1. Bài viết hấp dẫn, đọc khác hẳn với đọc bài báo khoa học ngành kinh tế học. Như đọc bài tường thuật có trộn lẫn khái niệm khoa học.

2. Có vẻ như nghiên cứu này chọn mẫu không ngẫu nhiên, và như vậy dẫn đến thiên lệch chọn mẫu. Thông tin từ mẫu có thể không đại diện cho tổng thể. Tác giả không hề đề cập đã chọn mẫu phỏng vấn như thế nào. Rất có thể những người đồng ý nói chuyện với tác giả (đặc biệt là người mua) là những người có đầu óc cởi mở (vì thế họ mới đồng ý nói chuyện với 1 người ngoài), như thế dễ cho tác giả phỏng vấn, nhưng có thể hoàn toàn không đại diện cho kinh nghiệm cũng như ý kiến của đám đông. Tôi mường tượng nếu làm nghiên cứu, mình sẽ làm như thế này: chẳng hạn dãy quán gội đầu massage có 20 quán, sẽ chọn ngẫu nhiên 1 quán; giả sử trong quán đó có 5 cô tiếp viên, sẽ chọn ngẫu nhiên 1 cô và hỏi chuyện cô ấy. Nếu không thu thập được thông tin thì làm lại quá trình lấy mẫu từ đầu, đến khi nào được thì thôi.

Tác giả cũng không cho biết phân loại thị trường rẻ tiền, trung bình và cao cấp theo tiêu chí nào. Chẳng hạn, tác giả lấy "việt kiều" làm đại diện cho thị trường cao cấp. Có vẻ như điều này xuất phát từ việc tác giả nói chuyện được với một anh việt kiều ở chung khách sạn, và được anh ta kể cho các kinh nghiệm mua cảm xúc. Tôi thì đồ rằng đại gia trong nước chiếm lĩnh thị trường cao cấp, chứ không phải các bác việt kiều.

3. Tác giả kể lại các tình huống thực, mặc dù có thể đã đổi tên đối tượng tham gia, nhưng cũng đã để lộ nhân thân của họ ra công chúng. Tác giả kể về một cặp vợ chồng Việt - Mỹ. Cô vợ là gái bán hoa, gặp chồng tương lai ở quán bar. Anh Mỹ đem lòng yêu, cưới cô này, có con với cô, còn chu cấp tiền cho gia đình cô. Trong thời gian chờ xét hồ sơ sang Mỹ, cô này vẫn đi "làm việc" vì lo lỡ không được xét cho đi, cô vẫn có nguồn thu nhập dự phòng. Câu chuyện như thế này thì dù đổi tên nhân vật, những người gần họ vẫn sẽ nhận ra, anh chồng Mỹ cũng sẽ nhận ra, nếu đọc được nghiên cứu này. Không biết vợ chồng này có cho phép tác giả kể câu chuyện của họ chưa. Nếu chưa, liệu bài nghiên cứu cũng như tạp chí cho đăng có vi phạm đạo đức nghiên cứu?

4. Tôi không rành về các nghiên cứu xã hội học. Cảm giác đọc bài này là quá ít lý thuyết được nêu ra và kết nối để giải thích hiện tượng. Chỉ thấy dẫn gần như duy nhất lý thuyết về "emotional labor" như là lý thuyết nền để nghiên cứu. Không thấy dùng lý thuyết nào khác để phân biệt sâu hơn các hiện tượng quan sát được, chẳng hạn như, ranh giới giữa cảm xúc thực và cảm xúc giả tạo.

20 tháng 8, 2010

Lượng hóa chủ nghĩa bình quân ở Việt Nam

Bác Nguyễn Quang Lập viết thế này trong bài về chủ nghĩa bình quân ở Việt Nam nhân sự kiện GS Nguyễn Bảo Châu được huy chương Fields:

"...Tất nhiên Ngô Bảo Châu về nước dạy không phải vì 5 triệu đồng kia nhưng với một đồng lương như thế trả cho một tài năng toán học thì thật là xấu hổ, nó bĩ mặt dân Việt vốn là dân luôn coi trọng tài năng. Nhà nước ta không bao giờ tiếc tiền đối với nhân tài cả. Chỉ có chúng ta tự làm khổ nhau, ngáng chân nhau vì chủ nghĩa bình quân và thói đố kị. Tao giáo sư mày cũng giáo sư, thậm chí tao còn ông nọ bà kia, mày chẳng qua chỉ là giáo sư quèn, tại sao lương mày lại cao hơn cả lương tao. Đằng sau những giải thích đổ lỗi cho cơ chế liệu có tâm lý đó không? Chắc có."

Bác Nguyễn Quang Lập nói về chủ nghĩa bình quân đúng quá. Bài nghiên cứu này đăng trên Journal of Development Studies đo lường "chủ nghĩa bình quân" của người Việt Nam (mẫu là nông dân), tính ra chỉ số ưa thích bình quân là 0.28. Chỉ số này càng thấp thì càng thích sự quân bình về thu nhập giữa mình và người khác.

Chỉ số ưa thích bình quân này ở Thụy điển là từ 0.59 - 0.71, ở Trung quốc là từ 0.42 - 0.51, ở Costa Rica là 0.45.

Cách đo lường chỉ số ưa thích bình quân này hơi phức tạp một chút, nhưng căn bản là thế này: người tham gia nghiên cứu sẽ chọn lựa giữa 2 phương án A và B.

Phương án A: thu nhập của mình 2.5 triệu đồng, thu nhập của những người khác là 3 triệu đồng.

Phương án B: thu nhập của mình là 2.3 triệu đồng, thu nhập của những người khác là 2 triệu đồng.

Nếu bạn không thích bình quân, nghĩa là quyết không theo chủ nghĩa bình quân, bạn sẽ chọn phương án B, vì lúc này mặc dù bạn bị thiệt 200.000 đồng so với nếu chọn phương án A, bạn vẫn có thu nhập cao hơn trung bình của những người khác.

Tại sao chủ nghĩa bình quân ở nước ta lại nặng nề như vậy? Làm cách nào để thoát khỏi nó (hay các yếu tố nào làm tăng chỉ số ưa thích bình quân)?

Làm nghiên cứu. Làm nghiên cứu.