26 tháng 4, 2010

Huy chương John Bates Clark năm nay

Esther Duflo thắng giải John Bates Clark năm nay. Giải này dành cho các nhà kinh tế học dưới 40 tuổi, được mệnh danh là "baby Nobel".

Cô Duflo 37 tuổi, làm tại MIT, chuyên trị về kinh tế phát triển và kinh tế học thực nghiệm, nhánh thực nghiệm tự nhiên (randomized field experiments). Gần đậy cô này tập trung vào việc đánh giá tác động kinh tế của các dự án công. Chẳng hạn nhà nước đầu tư vào 1 dự án y tế cộng đồng tăng cường vitamin A, B, C... cho dân nghèo một tỉnh nào đó ở đồng bằng Sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành dự án, nhà mình làm 1 cái lễ báo công báo cáo dự án sau 3 năm đã làm cho dân sáng mắt sáng lòng hoàn toàn. Tình cờ cùng thời gian đó cái cô Duflo này lại làm một thực nghiệm ngẫu nhiên này ở ĐBSCL, rất có thế cổ viết báo cáo nói rằng bằng các phương pháp thiết kế thực nghiệm thừa số, thu thập số liệu ngẫu nhiên, phân tích khác biệt trong khác biệt v.v. rất khoa học, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng dự án đầu tư vitamin A kia chẳng làm cho dân sáng mắt sáng lòng gì sất, mà cái sự sáng mắt sáng lòng có là do trong thời gian đó, người dân tỉnh nằm trong dự án bỗng có phong trào trồng cà chua xuất khẩu, mà cái luồng sông Hậu lại nạo vét chưa xong nên không chở cà chua ra thị trường thế giới được, nên dân mình đành ăn cà chua trừ cơm. Đại loại cô ấy sẽ đánh giá đầu tư công như thế này như thế kia thì có ích hay không, hay chỉ phí tiền thuế của dân.

Năm 2009, giải Nobel kinh tế học được trao cho bà Elinor Ostrom (và Oliver Wiliamson). Ostrom nghiên cứu về thể chế và cộng đồng, dùng công cụ kinh tế học thực nghiệm. Năm nay 2010, cô Esthor Duflo được trao giải "baby Nobel". Duflo nghiên cứu về phát triển và cũng dùng công cụ kinh tế học thực nghiệm.

Bạn thấy gì chung chưa? Nữ tính thiêng liêng - kinh tế học thực nghiệm - cộng đồng và phát triển.

Giáo sư Văn Như Cương và bài báo khoa học

Giáo sư Văn Như Cương có 1 bài viết có tựa đề ”Chạy theo bài báo khoa học” trên báo Người Lao Động. Đại ý của giáo sư là không nên ”chạy theo bài báo khoa học”, nếu 1 giáo sư mà không có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế thì vẫn không sao, miễn giáo sư đó vẫn đóng góp tốt cho nhiệm vụ đào tạo.

Tôi không đồng ý với ý kiến của giáo sư Văn Như Cương.

Giả sử đào tạo nhân lực là nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường đại học, thì năng lực, kiến thức khoa học của giảng viên đại học về chuyên ngành mình giảng dạy là yếu tố quan trọng nhất quyết định kết quả đào tạo. Người thầy phải hiểu rõ, hiểu sâu chủ đề mình đang giảng dạy. Các yếu tố khác như phương pháp sư phạm, thái độ giảng dạy tuy quan trọng nhưng kiến thức của người thầy phải là yêu cầu đầu tiên và chủ yếu nhất.

Vậy người thầy xây dựng năng lực khoa học, tích lũy kiến thức cho mình như thế nào, trong điều kiện khoa học thế giới luôn biến đổi nhanh chóng? Cách tốt nhất là làm nghiên cứu khoa học một cách có chất lượng, nghĩa là kết quả nghiên cứu khoa học phải được công bố quốc tế. Người thầy học bằng cách làm nghiên cứu khoa học. Một người đã từng tham gia nghiên cứu, viết bài để cố gắng có mặt trên các tạp chí khoa học quốc tế sẽ thấy rằng kiến thức chuyên môn của mình tăng lên rất nhiều so với chỉ ngồi ôm mấy cuốn sách để đọc chay.

Giáo sư Văn Như Cương cho rằng ”giáo sư ngạch giảng dạy cần xét đến thành tích về đào tạo như số lượng sinh viên được đào tạo, số các sách tham khảo, chuyên đề đã công bố, số luận văn cao học, luận văn TS đã hướng dẫn...”. Nếu ”giáo sư ngạch giảng dạy” này không làm nổi một nghiên cứu khoa học đăng ở 1 tạp chí khoa học chuyên ngành trung bình của thế giới, thì làm sao viết được sách tham khảo, và hướng dẫn luận văn cao học và tiến sĩ? Sách tham khảo ở trình độ đại học phải được viết từ kinh nghiệm nghiên cứu. Giáo sư không có năng lực nghiên cứu mà càng giảng dạy được nhiều sinh viên, viết được nhiều sách, đào tạo được nhiều thạc sĩ, tiến sĩ, tôi e rằng càng tai hại cho đất nước.

Nghiên cứu khoa học không chỉ để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học là để xây dựng nền khoa học cho đất nước. Một nền tảng khoa học vững chắc sẽ giúp sản sinh ra các các ứng dụng, các chính sách hợp lý và nhanh chóng. Ví dụ trong lĩnh vực kinh tế học, tôi cho rằng phần lớn các chính sách kinh tế hiện nay, như tăng giảm lãi suất, đều không có cơ sở khoa học, đều không dựa vào gì cả, đều như trò chơi đánh bạc 5 ăn 5 thua, bởi vì chúng ta không có các nghiên cứu thực sự chất lượng về các khía cạnh của nền kinh tế. Bác sĩ không làm xét nghiệm, không chụp X-Quang, nghĩa là không biết các chỉ số đo lường về máu, về vận hành cơ thể, không hiểu bệnh nhân thì sao bốc đúng thuốc được?

Nghiên cứu khoa học là quan trọng, vậy tại sao cứ nhất thiết lại phải là bài báo khoa học quốc tế? Rất đơn giản, bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế sẽ là bài báo đạt tiêu chuẩn tối thiểu của một nghiên cứu khoa học, vì phải trải qua quá trình cạnh tranh với các bài báo khác để được đăng. Chỉ có thể xuất hiện khi đạt được một mức chất lượng nào đó được thế giới công nhận. Các nghiên cứu khoa học đăng ở trong nước thường được kiểm định bởi các ”hội đồng khoa học”. Bàn về chất lượng làm việc của các ”hội đồng khoa học” này vượt quá giới hạn bài viết này, tuy nhiên tôi có thể khẳng định nhiều kết quả nghiên cứu được các hội đồng này thông qua với kết quả ”hoàn thành xuất sắc” thường không có nhiều ý nghĩa khoa học.

Lịch sử để lại cho chúng ta một nền khoa học và hệ thống giáo dục nhiều yếu kém và có khoảng cách rất xa với thế giới. Để khắc phục, có rất nhiều điều phải làm, và điều quan trọng cần làm đầu tiên là những người đang có vai trò quan trọng, đang có tiếng nói trong hệ thống đó biết thu mình đứng qua một bên, mở đường cho thế hệ trẻ vươn mình ra với thế giới.

23 tháng 4, 2010

Biên tập viên của Journal of Public Economics


(Nguồn: http://www.economics.harvard.edu/faculty/chetty)

Ông này là Raj Chetty, editor của Jounal of Public Economics, tạp chí được xếp loại A (sau vài tờ loại AA như AER, QJE...) từ tháng 01/2009.

Ông này sinh năm 1979.

22 tháng 4, 2010

Linh tinh...

The curious task of economics is to demonstrate to men how little they really know about what they imagine they can design. -- F.A. Hayek

21 tháng 4, 2010

Linh tinh...

1. Báo Lao động có bài viết về chuyện các thầy cô giáo phổ thông phải đi mua "sáng kiến kinh nghiệm" ở các tiệm photocopy để nộp lấy thành tích tính điểm thi đua.

2. VNN có bài của bạn Nguyễn Kiều Dung, NCS ngành kinh tế ở Hoa Kỳ, nêu sáng kiến của bạn về việc thành lập các CLB "Sáng tạo kiên trì" cho học sinh, nơi học sinh có thể làm bất cứ gì từ cắt dán, kể chuyện, làm mô hình robot v.v.

3. Ủng hộ ý tưởng của bạn Dung. Nhưng mà bạn ơi, sao bạn lại đề nghị cộng điểm thưởng cho việc sáng tạo của học sinh? Sao không để sáng tạo của học sinh là một trò chơi thuần túy nhỉ?

4. Chắc bạn, cũng như các quan chức giáo dục - những người có thể không học kinh tế học, đều biết rõ vai trò của "incentive" trong việc tạo ra "outcome".

Với (1), tôi nghĩ cần tìm hiểu thêm hoạt động của "incentive" trong một thể chế "institution" đặc thù Việt Nam. Tôi đồ rằng sự tương tác của 2 yếu tố này tạo ra những outcome không mong muốn, khác hẳn với kết quả của các mô hình cổ điển.

Với (2), tôi đoán có thể khuyến khích (incentive) tạo ra hiệu ứng phụ không tốt (crowding out effects).

20 tháng 4, 2010

Chính sách tiền tệ linh hoạt là gì vậy hở trời?

"Chính sách tiền tệ linh hoạt" là gì vậy hả trời? Ai biết giúp tui một cái định nghĩa hay một cái mô tả chính quy về nó cái coi.

Tui có đọc báo thì thấy nói đó là chính sách tiền tệ lúc nới lúc thắt (lượng tiền), cho nên gọi là linh hoạt. Cái cách này thì quá hay và phù hợp với Việt Nam: anh Ba trên bộ Chính trị biểu ê mày giá cả tăng quá dân nó biểu tình kìa, dạ dạ để em thắt; mấy đại gia doanh nhân rỉ rả thò gậy lẫn cà rốt đề nghị tăng trưởng, dạ thưa để tôi nới. Mình quyết là "linh hoạt" rồi mừa, lúc thắt lúc nới thoải mái hen.

16 tháng 4, 2010

Linh tinh...


(Nguồn: the Economist, số nào quên mất tiêu rồi, bổ sung sau vậy)

Nếu bạn là nhà kinh tế học, bạn thấy mình là ai trong hình này? Tím, xanh dương, hay xanh lá cây?

Nếu bạn là người trí thức Việt Nam, bạn thấy mình là ai trong hình này? Tím, xanh dương, hay xanh lá cây, hay...?

14 tháng 4, 2010

Kinh tế học của bằng đại học về Kinh tế chính trị

Nghe giang hồ đồn ĐHKT chuẩn bị mở lớp Văn bằng 2 Kinh tế Chính trị, nghĩa là những người đã có bằng ĐH rồi thì có thể tối tối đến hoặc không đến giảng đường, sau 2 năm sẽ có 1 bằng đại học nữa. Mà bằng này thì được xem là tương đương với Cao cấp lý luận chính trị.

Tui ủng hộ quyết định mở lớp này. Quyết định này hoàn toàn đúng theo chủ trương của bộ trưởng bộ GD-ĐT về đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Mà đã là đại học chuyên về kinh tế thì ta phải làm thế nào để tổ chức phi vụ này thật khoa học và bài bản kinh tế học. Tui thử làm quân sư quạt mo xem sao.

Một thị trường có 3 yếu tố chính: cầu, cung và giá cả.

- Cầu: người mua dịch vụ có sự ưa thích (preferences) của họ đối với sản phẩm. Nghĩa là họ phải cân nhắc xem mua và dùng sản phẩm thì đem lại hữu dụng cho bản thân như thế nào, có xem xét tới điều kiện giới hạn ngân sách nữa. Cụ thể hóa của sự ưa thích này là giá sẵn lòng trả (willingness to pay) của họ đối với sản phẩm.

- Cung: ta độc quyền cung rồi - a monopolist. Do đó ta có thể định giá độc quyền. Dĩ nhiên cung cấp sản phẩm phải tốn chi phí. Ta cần định giá sản phẩm sao cho có thể tối đa hóa thu nhập ròng (nghĩa là tối đa hóa khoản (giá*số học viên - chi phí trên 1 học viên*số học viên)). Nhớ là số học viên lại là một hàm số của giá.

Cần lưu ý hàng hóa trong trường hợp này là hàng hóa dùng lâu bền - durable good, người mua chỉ mua một lần, nếu đã mua hôm nay thì mai không mua nữa. Theo lý thuyết, nhà cung cấp độc quyền cạnh tranh với chính mình: nếu bán hôm nay thì sẽ giảm lượng cầu vào ngày mai.

Vấn đề của ta, nhà cung cấp, là xác định số học viên 1 khóa học và giá (học phí). Có thể có bạn cho rằng học phí được quy định bởi bộ GD-ĐT. Nhưng không sao, đó chỉ là khoản thu chính thức, ta có nhiều cách để đạt được mức giá ta muốn (các trường phổ thông cơ sở còn biết cách số vàng thì ta đại học hà cớ gì không biết nhiều cách hay hơn).

Số học viên 1 năm học không thể quá lớn, mà phụ thuộc vào năng lực cung cấp của ta nữa (số ghế ngồi, số giáo viên, giới hạn của Bộ). Ta cứ lấy mức tối đa mà Bộ cho phép tuyển sinh. Bây giờ cái khó là đặt giá độc quyền đây.

Nhưng để đặt được giá độc quyền để tối đa hóa lợi nhuận, ta phải biết được giá sẵn lòng trả (WTP) của học viên. Thông thường trên thị trường cạnh tranh, WTP chính là giá thị trường. Ví dụ một chương trình đào tạo MBA thu 4000 USD/học viên/năm học thì con số này chính là WTP của học viên. Nhưng vấn đề khó ở đây là ta chưa có thị trường đào tạo VB2 Kinh tế chính trị, cho nên chưa có giá thị trường, cho nên không thể suy ra WTP được.

Lúc này phải xác định giá sẵn lòng trả bằng phương pháp dùng thị trường giả định (hypothetical market). Một trong những kỹ thuật đánh giá có thể dùng được là kỹ thuật "thực nghiệm lựa chọn" (choice experiment). Ta sẽ thiết kế các chọn lựa (choice set) khác nhau, mỗi choi set sẽ có 1 số phương án (alternatives), mỗi phương án lại có những mức đặc tính khác nhau (attribute levels). Ta phải thực hiện thiết kế thực nghiệm (experimental design) sao đó để khu thu thập số liệu xong, ta có thể dùng multinomial models để phân tích và tính toán ra WTP cho từng đặc tính và cho cả khóa học văn bằng 2 này.

A, nhớ ra rồi, hình như ĐHKT chuẩn bị mở lớp "Phương pháp nghiên cứu định lượng 3", mà nội dung lại dạy vể phương pháp thiết kế thực nghiệm, thực nghiệm lựa chọn v.v. Sao trường không nhân đây đề nghị thầy phụ trách cho cả lớp làm đề án tính toán giá sẵn lòng trả cho VB 2 Kinh tế chính trị nhỉ? Vừa có nghiên cứu tình huống thực tế cho lớp học, vừa có sản phẩm ứng dụng phục vụ việc ra quyết định (về giá độc quyền) của trường.

(Một sản phẩm phụ của nghiên cứu này sẽ là so sánh xem giá sẵn lòng trả cho bằng ĐH về kinh tế chính trị với bằng đại học về chuyên ngành khác, ngân hàng chẳng hạn).

Khả năng nhậu và kết quả học tập hồi nhỏ

Làm thế nào để biết hồi nhỏ bạn học giỏi hay không, giả sử bạn làm mất sổ liên lạc rồi? Hai nhà nghiên cứu Francesca Borgonovi và Maria C Huerta thuộc London School of Economics vừa mới cho ra lò bản báo cáo đăng trên Social Science & Medicine sẽ giúp bạn giải quyết câu hỏi này.

Sau một hồi phân tích thông kê với các kỹ thuật phức tạp như Latent Class Analysis và Multinomial Logit để bóc tách dữ liệu và các mối quan hệ, các tác giả chỉ ra rằng:

Hồi nhỏ lúc 5 và 10 tuổi, ai mà có kết quả học tập tốt thì sẽ có xu hướng sau này nhậu giỏi.

Tui thấy suy ngược lại cũng được: ai nhậu giỏi bi giờ thì hồi nhỏ chắc học giỏi!!!

Tui thì nghĩ mình hồi nhỏ chắc học cũng khá.

13 tháng 4, 2010

Nghĩ ngợi linh tinh

Nhân đọc bài "Điểm thấp" của bạn 3003! có 1 số quan sát thế này:

(bạn 3003! băn khoăn về việc những ngành quan trọng đối với xã hội như Luật, Kinh tế học, giáo dục thì chỉ toàn nhận những sinh viên có điểm thấp hơn các ngành khác như ngân hàng, Kế toán, ngoại thương v.v. Sinh viên chọn ngành này ngành kia là do điểm vào ngành thấp hay cao, không phải vì do thích hay không thích)

1. Sản phẩm của các trường đại học tốt hay không là do sinh viên của họ có tốt hay không, chứ không phụ thuộc vào chất lượng giáo viên. Một thực nghiệm tự nhiên (natural experiment) chỉ ra điều này: chất lượng sinh viên ra trường của ĐH Ngoại thương thường được coi là cao hơn sinh viên của ĐH Kinh tế. Phần lớn giáo viên dạy ở ĐH Ngoại thương là giáo viên của ĐH Kinh tế. Điểm đầu vào của ĐH Ngoại thương cao hơn của ĐH Kinh tế, nghĩa là chất lượng sinh viên đầu vào tốt hơn.

Giống mấy mô hình tăng trưởng cổ điển, cứ đầu vào tốt thì đầu ra tốt, chẳng cần innovation, R & D gì ráo. Tình hình là món ăn ngon chủ yếu là do nguyên liệu ngon quyết định, trình độ đầu bếp đang ở mức tác động vào món ăn rất thấp.

Sinh viên ra quyết định chọn vào trường nào lại phụ thuộc vào tín hiệu của thị trường việc làm sau khi tốt nghiệp.

2. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng có định hướng các trường đại học là phải đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thị trường lên ngôi nhé, là số 1 rồi nhé. Nhưng mà GS bộ trưởng chắc cũng phải rất rành về những "thất bại của thị trường" trong cung cấp hàng hóa công và giải quyết ngoại tác chứ nhỉ.

3. Ngành kinh tế, giáo dục, luật là những hàng hóa công.

4. Hành vi của con người bị dẫn dắt bởi hệ thống khuyến khích. Hệ thống khuyến khích đưa ra tín hiệu như thế nào thì người ta quyết định lựa chọn như thế đấy.

Paul Krugman và kinh tế môi trường

Paul Krugman bàn về kinh tế học biến đổi khí hậu, viết cho đại chúng, dễ hiểu, dùng để dạy học khá tốt. Nói chung là bên Mỹ, mọi công cụ kinh tế dùng để phân tích môi trường và biến đổi khí hậu đã sẵn sàng rồi, chỉ còn chờ các chính trị gia có muốn làm nữa hay không thôi.

Để ở đây, bữa nào rảnh bàn thêm...

Ví dụ đoạn này dùng cho phần mở đầu giới thiệu môn Kinh tế Môi trường thì tuyệt:

"If there’s a single central insight in economics, it’s this: There are mutual gains from transactions between consenting adults. If the going price of widgets is $10 and I buy a widget, it must be because that widget is worth more than $10 to me. If you sell a widget at that price, it must be because it costs you less than $10 to make it. So buying and selling in the widget market works to the benefit of both buyers and sellers. More than that, some careful analysis shows that if there is effective competition in the widget market, so that the price ends up matching the number of widgets people want to buy to the number of widgets other people want to sell, the outcome is to maximize the total gains to producers and consumers. Free markets are “efficient” — which, in economics-speak as opposed to plain English, means that nobody can be made better off without making someone else worse off.

Now, efficiency isn’t everything. In particular, there is no reason to assume that free markets will deliver an outcome that we consider fair or just. So the case for market efficiency says nothing about whether we should have, say, some form of guaranteed health insurance, aid to the poor and so forth. But the logic of basic economics says that we should try to achieve social goals through “aftermarket” interventions. That is, we should let markets do their job, making efficient use of the nation’s resources, then utilize taxes and transfers to help those whom the market passes by.

But what if a deal between consenting adults imposes costs on people who are not part of the exchange? What if you manufacture a widget and I buy it, to our mutual benefit, but the process of producing that widget involves dumping toxic sludge into other people’s drinking water? When there are “negative externalities” — costs that economic actors impose on others without paying a price for their actions — any presumption that the market economy, left to its own devices, will do the right thing goes out the window. So what should we do? Environmental economics is all about answering that question."

9 tháng 4, 2010

Ứng cử viên tổng thống Colombia...

Ông là Antanas Mockus, đang trong chiến dịch tranh cử tổng thống Colombia, và rất có khả năng thắng cử. Trên YouTube có đăng bài nói chuyện của ông tại đại học Michigan về luật, thể chế, hành vi của con người, và khế ước xã hội (social norms), theo tôi có thể so sánh được với Elinor Ostrom về cùng nhóm đề tài này.

Còn nếu bạn muốn nghe bài nói chuyện của lãnh đạo Việt Nam? Cũng có trên YouTube đấy.

8 tháng 4, 2010

Tại sao Bộ GD-ĐT không quyên góp đủ tiền xây tượng?

Thứ trưởng bộ GD-ĐT vừa ký công văn kêu gọi các trường học đóng góp kinh phí xây dựng cụm tượng 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, một "công trình nghệ thuật" do bộ chủ trì. Đến ngày 24/07/2010 công trình dự định được khánh thành nhưng nay kinh phí vẫn chưa đủ. Tôi sẽ không bàn gì về câu chữ, mặc dù rất muốn khuyên thứ trưởng nên chuyển cái cậu soạn công văn này sang làm công việc khác.

Tôi thử lý giải tại sao bộ lại không thu đủ kinh phí để xây tượng bằng các kết quả nghiên cứu của kinh tế học hành vi và thực nghiệm.

Sự kiện Bộ GD-ĐT kêu gọi đóng góp tự nguyện để xây tượng có thể được đặt vô nhóm chủ đề nghiên cứu "voluntary contribution to public goods". Cụm tượng đài là một hàng hóa công, nghĩa là ai cũng có thể được hưởng lợi ích từ nó, nếu muốn. Đặc điểm của hàng hóa công trong trường hợp cụ thể này là lợi ích của hàng hóa công đối với người đóng góp rất nhỏ, cho nên có thể phân loại tiếp sự kiện này vào nhóm nghiên cứu kinh tế học đóng góp từ thiện - "economics of charitable fundraising".

Tại sao người ta lại đóng góp vào hàng hóa công trong khi có thể dễ dàng xài chùa (free-ride)? Rất nhiều nhà kinh tế đã xây dựng các mô hình lý thuyết chỉ ra rằng người ta đóng góp là vì lòng vị tha - altruism (Becker, 1974), vì đóng góp sẽ làm chủ thể cảm thấy thoải mái về tinh thần - warm glow (Andreoni,1990), vì lý do có qua có lại - reciprocity (Sugden, 1984), vì người ta thích sự công bằng (Fehr and Schmidt, 1999), và vì người ta có khuynh hướng hợp tác có điều kiện - conditional cooperation (Frey and Meier, 2004). Hợp tác có điều kiện nghĩa là người ta sẽ đóng góp tương ứng với những gì người khác sẽ đóng góp. Có câu chuyện kể là khi Bill Gates về thăm mái trường xưa Seattle’s Lakeside Upper School, người ta kêu gọi ông đóng góp quỹ nhà trường, Bill Gates hỏi thế mọi người góp bao nhiêu, thưa ông 75 đô la, à vậy tôi cũng góp 75 đô la.

Kết quả các thực nghiệm kinh tế (economic experiments) cho thấy, trong các phiên đóng góp cụ thể, số tiền đóng góp thu được nhiều hay ít phụ thuộc vào các yếu tố sau (chủ yếu từ Ledyard, 1995):

- Bản chất của hàng hóa công: nếu hàng hóa công đó đem lại lợi ích biên lớn cho người đóng góp, số tiền đóng góp trung bình sẽ cao hơn so với hàng hóa có lợi ích biên nhỏ. Ở đây, cụm tượng đài Đồng Lộc của Bộ GD-ĐT là hàng hóa có lợi ích biên nhỏ với người đóng góp, nên xu hướng sẽ là khó có khoản thu lớn hơn các công trình khác như thư viện online chẳng hạn, trong đó Bộ kêu gọi đóng góp lập 1 thư viện lưu trữ tất cả các tài liệu nghiên cứu liên quan đến Việt Nam, các yếu tố khác như nhau.

- Số người tham gia đóng góp: Khi số người tham gia đóng góp là lớn, lượng đóng góp của từng người có xu hướng nhỏ và xuất hiện rất nhiều người xài chùa, không đóng góp gì cả. Càng đông người thì xác suất nhận dạng của người đóng càng nhỏ, và người ta có thể lẩn tránh đóng góp. Ở đây, tình huống đóng góp của Bộ là có rất nhiều người tham gia, cả ngàn ngàn trường học, nên người ta có xu hướng free ride nhiều hơn.

- Tính không đồng nhất của người tham gia đóng góp. Nghiên cứu mới nhất của Fischbacher and Geachter trên American Economic Review năm 2010 - số 100 cho thấy khi nhóm đóng góp xuất hiện nhiều người xài chùa, và việc đóng góp được thực hiện nhiều vòng, khoản đóng góp sau này sẽ giảm, do người ta làm theo những người xài chùa, người ta đã không đóng thì mình cũng không đóng, một dạng conditional cooperation. Ở đây, có lẽ kế hoạch của Bộ cũng chịu tác động này: các trường quan sát, sau một thời gian thấy các trường khác không đóng, thì mình cũng không đóng góp.

- Tiền mồi (seed money) hay tác động tuân theo. Lượng đóng góp sẽ tăng khi người đóng góp thấy người khác đóng góp nhiều. Kiểu như bạn hay thấy mấy thùng từ thiện bằng kính, bên trong có nhiều tờ 100USD vậy. Tín hiệu là người ta đóng bao nhiêu đó đấy, vậy bạn định đóng bao nhiêu. Việc này thường được giải thích bằng khái niệm "conformity", hoặc "reciprocity". Không biết Bộ có đặt tiền mồi lúc ban đầu không?

- Công khai tên người và số lượng đóng góp (disclosure): lượng đóng góp vào hàng hóa công sẽ tăng khi ngay từ đầu nhà tổ chức cho biết tên người và lượng đóng góp sẽ được công khai hóa. Đây là nhằm tác động đến "image concern" của đối tượng. Bạn có thấy bảng vàng công đức ở các nhà chùa, nhà thờ không? Không biết lúc bắt đầu chiến dịch thu quỹ, Bộ có nói rõ sẽ công bố tên trường và số lượng đóng góp của họ công khai trên trang nhà của mình không nhỉ?

- Chế tài (bằng tiền hoặc mang tính xã hội - monetary punishment/reward hoặc social punishment). Thực nghiệm nói chung cho thấy khoản đóng góp tự nguyện sẽ cao hơn khi có chế tài, hoặc là phạt tiền, hoặc thưởng tiền, hoặc chế tài kiểu áp lực xã hội (tuy nhiên có vài trường hợp có kết quả ngược do crowding out effects). Với trường hợp chiến dịch góp quỹ của Bộ, biện pháp thích hợp có lẽ là chế tài kiểu áp lực xã hội: nếu không đóng góp, xã hội sẽ coi người đó là thành phần xấu chẳng hạn. Tuy nhiên, điều này lại cần khế ước xã hội mạnh (social norms), một xã hội gắn kết theo những quy chuẩn chung và sẽ loại trừ những ai không theo quy chuẩn chung đó. Nhưng xã hội Việt Nam hiện tại có lẽ chia rẽ nhiều hơn là gắn kết, và những quy chuẩn chung đang dần biết mất. Tượng đài 10 cô gái Đồng Lộc có thể hiện 1 quy chuẩn xã hội chung nào đủ mạnh không?

- Quy chuẩn xã hội (social norm): người ta sẽ đóng góp nhiều nếu người ta cảm thấy đạo đức xã hội không cho phép người ta trốn đóng góp. Nếu đạo đức xã hội mạnh, người không đóng góp vào tài sản công sẽ cảm thấy xấu hổ, tội lỗi. Tôi e rằng rất khó cho Bộ GD-ĐT trong hoàn cảnh nước ta hiện nay nếu muốn vận dụng cách thức này để hy vọng khoản đóng góp tăng.

- Lòng tin (trust): khi người ta tin tưởng vào người khác và vào tổ chức đứng ra thực hiện quyên góp, khoản đóng góp sẽ cao hơn so với khi không có lòng tin hoặc rất ít lòng tin. Nói về chiến dịch quyên góp của Bộ, nếu Bộ muốn thu được nhiều tiền bằng phương thức đóng góp tự nguyện, Bộ cần cải thiện lòng tin của người đóng góp vào nhau và vào chính mình. Bất khả thi?

______________________________

Ghi chú: các kết quả của kinh tế học hành vi và thực nghiệm tôi tổng kết ở trên là dựa trên nghiên cứu với cá nhân. Đơn vị đóng góp trong chiến dịch quyên góp của Bộ lại là một tổ chức (trường học). Và có thể hành vi của tổ chức khác với hành vi của cá nhân. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới nhất cũng chỉ ra nhiều điểm tương đồng. Mời bạn vào đọc bài này của Bénabou and Tirole, mới được tác giả công bố ngày 04/04/2010.

7 tháng 4, 2010

Gabriel Marquez và Elinor Ostrom có gì chung?

Đọc tâm tình này về tác phẩm "Trăm năm cô đơn" của Marquez, chợt hỏi Gabriel Marquez Elinor Ostrom có gì chung? Một người đi về cùng cực của sự cô đơn, người kia tìm lời giải cho một giải pháp chung.

Nếu chỉ có 1 câu để nói về nguồn gốc của các vấn đề môi trường ngày hôm nay, câu đó sẽ là: con người không có khả năng hợp tác giải quyết các nguồn tài nguyên chung. Gốc rễ của vấn đề là ở chỗ hành động của con người được dẫn dắt bởi sự ích kỷ. Một khiếm khuyết tông tổ tự nhiên.

Solitude và self-interest!

Nếu các mối liên hệ ràng buộc con người với nhau tạo nên thành phần chính của hạnh phúc thì quả là con người quá bất hạnh với cái di sản tông tổ, là tính ích kỷ này và sự cô đơn này.

Marquez mô tả tuyệt vời về nó. Ostrom, như một hiệp sĩ thánh chiến, tìm cách dẫn dắt đoàn người vượt qua nó.

Nhưng, như Marquez đã cất lên tiếng than "trăm năm cô đơn", vạn kiếp cô đơn...

6 tháng 4, 2010

Đặt cọc 1000 USD

Tin trên VNN: "Những hiệu trưởng nói không với đặt cọc 1000 USD".

Tui cũng được hân hạnh đặt cọc 1000 USD. Một ngàn đô để ở nhà lỡ kẻ trộm nó cạy tủ lấy mất thì toi, gửi ngân hàng thời nay thì quá nguy hiểm, đến quốc gia còn vỡ nợ nữa là. Được trường đại học với bao nhiêu giáo sư và tiến sĩ giữ giùm không phải vừa an toàn vừa vinh hạnh à?

5 tháng 4, 2010

Kinh tế học và bóng đá

Journal of Economic Psychology số tháng 4/2010 vừa ra hẳn một số chuyên đề về kinh tế và tâm lý học trong bóng đá. Đúng là bọn tư bản đang giãy chết không còn quan tâm gì đến khủng hoảng tài chính, lạm phát, thất nghiệp mà chỉ nhăm nhăm vô ba chủ đề tiểu tư sản ăn chơi này không.

Giáo sư đại học lãnh lương bằng tiền thuế của dân, ngân sách nghiên cứu cũng từ tiền thuế của dân, vậy mà còn biện luận kiểu như vầy nữa chớ: việc đưa yếu tố tâm lý và hành vi vào các mô hình kinh tế làm cho các mô hình phức tạp hơn rất nhiều, do đó phải dùng số liệu rất nhiều và tự nhiên trong bóng đá để kiểm định các mô hình, lý thuyết phức tạp này. Rồi còn viện dẫn "bóng đá là cuộc đời" để từ đó nói rằng nghiên cứu hành vi trong bóng đá cho phép nghiên cứu hành vi ngoài đời thực như sự phân biệt đối xử, ra quyết định dưới áp lực xã hội, phối hợp nhóm v.v. Các vị này mà sang Việt Nam thì chỉ có mà viết thư tự sự nức lòng trên báo thôi. Các vị nhớ nhé, qua Việt Nam phải làm nghiên cứu mô hình dự báo khủng hoảng kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam hay những đề tài tầm cỡ như vậy nhé.

Một trong 2 vị giáo sư-lãnh-lương-bằng-tiền-thuế-của-dân, biên tập viên của loạt bài nghiên cứu này, lại là vị rất có tiếng trong giới kinh tế học hành vi, Matthias Sutter, có nhiều bài đăng trên American Economic Review, tờ tạp chí chuyên ngành kinh tế mà hễ có bài đăng trên đó thì cũng y như cầu thủ được chức vô địch World Cup vậy. Vậy mới thấy bọn giáo sư tư bản đang tự đào hố chôn mình thế nào. Sao không biên tập cho những sự kiện quan trọng như hội thảo này “Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam: Thực trạng và lựa chọn cho giai đoạn 2011-2020”?

Bây giờ xem bọn tư bản giãy chết nghiên cứu cái gì.

Một bài thì về chuyện tổ chức sự kiện thể thao như Olympic, World cup, hay Seagames có đem lại hạnh phúc cho nhân dân không. Về mặt tài chính thì thường chẳng có lợi lộc gì, nhưng nếu dân mình hạnh phúc thì cũng nên làm. Vậy mà nó nghiên cứu xong dám kết luận là nói chung dân chẳng hạnh phúc gì hơn. Kết luận như vậy là trái với định hướng đăng cai tổ chức các sự kiện thể thao hoa hậu lớn của đảng và nhà nước rồi nhé.

Một bài thì kỳ cạy nghiên cứu xem trọng tài bị áp lực xã hội cũng như chuyện quốc tịch ảnh hưởng thế nào khi ra quyết định thổi tuýt tuýt. Kết quả là khi đám đông trên khán đài tạo áp lực lớn, xác suất rút thẻ vàng thẻ đỏ sai tăng hẳn. Rồi còn quốc tịch trọng tài, quốc tịch đội bóng, thành tích đội bóng cũng ảnh hưởng đến quyết định của trọng tài. Trọng tài từ những nước có nền bóng đá nhỏ thường thiên vị đội bóng chủ nhà. Cũng vấn đề này, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng trọng tài thì sợ nhất là áp lực của số đông khán giả, từ đó dễ dẫn đến bắt sai. Thế đấy, các giáo sư ăn lương mấy ngàn ơ rô một tháng mà chỉ nghiên cứu ra kết quả có vậy, chứ ở Việt Nam ai cũng biết, đám đông khán giả thì nhằm nhò gì, quyết định của trọng tài còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố khác mạnh hơn ấy nữa chứ.

Người ta còn nghiên cứu xem khoảng cách di chuyển từ nhà đến sân khách ảnh hưởng ra sao đến kết quả thi đấu. Khoảng cách càng lớn thì kết quả có vẻ càng tệ đi. Tác giả cho rằng nguyên nhân có thể là do yếu tố tâm lý chứ không phải do đội bóng có kinh nghiệm đi xa hay không. Các ông bầu rõ chưa, đội bóng đi xa thì nhớ mang theo bác sĩ tâm lý xịn nhé, không cần mang theo các loại quan chức để động viên tinh thần.

Có giáo sư còn nghiên cứu xem đội bóng gồm những cầu thủ trình độ đồng đều so với đội bóng có 1 số tài năng thì đội nào năng suất hơn. Kết quả nghiên cứu thống kê 1836 trận ở giải Bundesliga cho thấy đội có trình độ đồng đều có xác suất thắng cao hơn các đội đầu tư vào 1 hay 2 tài năng. Rõ nhé các ông bầu, thay vì mua 1 anh Lee Nguyễn thì đầu tư vào 3 - 4 anh Đực Anh Đực Em sẽ hiệu quả hơn.

Bản thân 2 giáo sư biên tập chuyên đề này cũng có bài nghiên cứu về màu áo của đội bóng có ảnh hưởng đến kết quả thi đấu không. Kết quả là chẳng có ảnh hưởng gì ráo. Thế nhé, đội tuyển Việt Nam có mặc áo trắng thì cũng không nâng xác suất thắng lên được bao nhiêu đâu nhé. Bác Hỷ nhà mình thì lại không dám thay áo của chính bác ấy nữa chứ, bác ấy có cái áo vest cứ mặc là thắng thì phải? Nhà mình thì cứ thay ghế là thắng.

Chuyên đề "kinh tế học và tâm lý học bóng đá" này minh họa cho tinh thần nghiên cứu khoa học trong kinh tế học: nghiên cứu một cách khoa học từng cái nhỏ, từng bộ phận. Mỗi nghiên cứu là một viên gạch, làm nền móng, và làm nên thành ngôi đền khoa học, mà trên đó cái nóc chính sách được chắc chắn vững chãi.

_______________________

Bạn nào muốn biết các giáo sư "đã làm điều đó như thế nào", nếu không download được bài nghiên cứu thì đánh dây thép cho tôi nhé, tôi sẽ gửi bài cho.

1 tháng 4, 2010

Dùng kinh tế học hành vi để đoán hình


Tôi mời bạn tham gia 1 trò chơi. Bức hình ở trên chụp ảnh hiệu trưởng 1 trường đại học và các giáo viên. Bạn đoán thử xem ai là hiệu trưởng? và tại sao?

Phần dưới đây sẽ là cách các nhà kinh tế học hành vi dùng để trả lời câu hỏi trên của tôi.

Thomas Schelling, nhà kinh tế học được giải Nobel năm 2005, tường thuật lại 1 thí nghiệm: Schelling đề nghị người tham gia tưởng tượng ngày mai sẽ gặp một người khác ở thành phố New York. Tuy nhiên không có thông tin gì về địa điểm và thời gian gặp. Ông đề nghị người tham gia thí nghiệm chọn địa điểm và thời gian mà mình nghĩ người kia cũng sẽ chọn để gặp mặt. Và nhiều người đã chọn gặp dưới đồng hồ nhà ga trung tâm lúc 12 giờ trưa!

Nghĩa là không trao đổi với nhau nhưng họ vẫn thống nhất được địa điểm và thời gian, vẫn đạt được kết quả. Cái điểm dẫn mọi người đến với nhau và đạt được kết quả mà không cần trao đổi, chính là điểm hội tụ tự nhiên - focal point.

Kinh tế học chính thống nghiên cứu về hành vi của đối tượng kinh tế, trong trường hợp trên sẽ giả định mọi người chọn ngẫu nhiên nếu không có thông tin gì để đoán hành vi của người kia. Tuy nhiên, thực tế, người ta có căn cứ nào đó để đoán hành vi của người khác và từ đó thực hiện hành vi kinh tế của mình. Focal point có vai trò trong trường hợp này. Schelling cho rằng focal point hình thành từ những kinh nghiệm chung, từ các yếu tố tâm lý và văn hóa.

Ở Anh có luật cấm các cơ sở giáo dục trao đổi thông tin về chi phí, vì các trường có thể cấu kết để nâng học phí. Tuy nhiên các trường vẫn tăng được do phối hợp với nhau dựa trên focal points. Nghiên cứu khác trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp cho thấy, các báo cáo tài chính thường rất ít các khoảng lỗ nhỏ, chỉ toàn là lợi nhuận bằng 0 hoặc âm nhiều hoặc dương nhiều. Ở đây Wall Street có 1 niềm tin chung 1 cách tự nhiên là các khoản lỗ nhỏ của công ty thể hiện CEO của công ty thiếu kỹ năng điều hành. Do đó, các CEO tìm mọi cách tránh các khoản lỗ nhỏ!!!

Nghiên cứu về focal point có thể giúp giải thích hành vi trong thương lượng, trong các vấn đề về phối hợp và hợp tác để quản lý tài nguyên (biển, đảo???) và quản lý xã hội (chống tụ tập biểu tình???).