5 tháng 3, 2008

Tại sao người Việt Nam hung hăng?

Tôi xin trả lời ngay, là do câu này: "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Có thể có cách hiểu sâu xa về "roi vọt" là cái gì gì đó, ở đây tôi cứ hiểu nó là đánh, là đét đít, là la mắng hay những hoạt động thể lực tương tự như vậy.

Phải giải quyết mệnh đề này trước: "người Việt Nam hung hăng". Chúng ta có hung hăng không nhỉ? Có một vụ quẹt xe giữa đường, cảnh tượng thường thấy là hoặc 1 hay cả 2 đương sự nhảy xuống mặt đỏ tía tai hét vào nhau. Hoặc trong một mâu thuẫn nào đó, bạn thường nghĩ là phải bụp đối phương mới được, rồi ra sao thì sao. Hung hăng là vậy. Đối mặt với một vấn đề nào đó, người ta không suy xét giải quyết theo logic và hướng đến một kết quả hòa bình mà thường là bị một xung lực vô hình nào đó dẫn dắt làm cả người sôi lên và đinh ninh một cách vô thức rằng vũ lực sẽ giúp giải quyết được vấn đề.

Xung lực vô hình gây hung hăng từ đâu ra? Trả lời một cách nghiêm túc theo các lý thuyết tâm lý xã hội lịch sử văn hóa học học thì lâu quá và cũng ngoài khả năng, tôi áp dụng "phương pháp quan sát" vậy.

Tôi có niềm tin thế này: con nít như tờ giấy trắng, người lớn làm sao thì con nít sẽ bắt chước theo như vậy. Tôi có một người quen, có con nhỏ khoảng 3 tuổi. Thằng bé mũm mĩm dễ thương. Chỉ có cái tật hay giơ tay tát bất cứ ai lại gần. Và khi không vừa ý gì thì hay cắn, đánh người xung quanh. Ba bé đi làm suốt ngày. Mẹ bé nuôi bé một mình, lại ở nơi đất khách quê người, nên gần như bị stress, nhiều khi nóng quá hay mắng và đét đít bé. Để ý quan sát sẽ thấy trong khá nhiều trường hợp, con nít, dù rất nhỏ, có khi chưa đến 2 tuổi, đã biết đánh bạn, đánh cả người lớn. Hỏi kỹ hơn thì thấy trong đa số trường hợp, cha mẹ hay giáo dục các bé bằng đét đít hay la mắng. Để thuyết phục các bé nghe theo mình, cách đơn giản nhất, không cần suy nghĩ nhất của người lớn là dùng sức mạnh, vũ lực. Trẻ con học điều này nhanh lắm. Học một cách vô thức thôi. Các hình ảnh được ghi vào trong đầu và được đem ra sử dụng một cách vô thức một lúc nào đó. Bạo lực sinh ra bạo lực.

Điều kể trên có phổ biến ở Việt Nam không? Tôi tin là có, nhất là ở khu vực nông thôn, khu vực đô thị của người lao động phổ thông.

Bạn cũng có thể cắc cớ hỏi tiếp: mà hung hăng vậy thì có thiệt đồng nào đâu, xã hội mình vẫn ào ào tăng lên đó thôi, GDP vẫn tăng hàng năm 8 - 9% đó ...Tôi sẽ không trả lời bạn theo kiểu nếu không hung hăng thì GDP của mình đã tăng hàng năm trên 10%. Tôi chẳng có căn cứ gì để nói vậy cả. Nhưng tôi chắc chắn rằng ai bị hung hăng sẽ buồn, người chủ động hung hăng rồi cũng sẽ buồn, mệt mỏi, bực tức. Chất lượng cuộc sống sẽ giảm so với trường hợp không hung hăng.

Làm thế nào để khỏi hung hăng? Cứ theo logic trên thì đơn giản lắm, cha mẹ đừng đánh đập con cái nữa là được. Cha mẹ dịu dàng, coi trọng con nhỏ thì con nhỏ sẽ học được điều này và hành xử như vậy với người khác.

Nhưng cái khó, và có thể nói cực khó là ở điểm, cái gì có thể làm với 1 người không chắc có thể làm được với nhiều người. Có thể thuyết phục được 1 bậc cha mẹ thay đổi cách hành xử với con, nhưng làm thế nào để mọi người làm cha mẹ nghe theo?

Không có nhận xét nào: