10 tháng 3, 2008

Người trí thức đang nghĩ gì?

Tôi có nhiều cuộc nói chuyện với bạn bè doanh nhân. Nội dung của hầu hết các cuộc nói chuyện đều là về đầu tư, mua bán, vay nợ, chuyện giá cả lên xuống như thế nào, vụ làm ăn này sẽ ra sao, vụ làm ăn tới sẽ như thế nào. Còn nhớ cách đây chỉ khoảng 2 năm, khi ngồi với nhau, chúng tôi nói về đủ thứ chuyện, từ kinh tế đến văn hóa chính trị xã hội. Bây giờ chỉ còn là kinh tế.

Ở các xã hội phát triển hơn, điều thường thấy là doanh nhân bàn về chuyện làm ăn, tầng lớp trí thức thì trăn trở về các vấn đề văn hóa chính trị xã hội. Ai chuyên nghiệp theo đường của người nấy.

Ở ta thì sao nhỉ? Các doanh nhân đã xác định rõ là họ quan tâm nhất đến các cơ hội kinh tế và những lĩnh vực liên quan.

Còn tầng lớp trí thức của ta thì sao? Dường như trí thức của ta rất thích nói đến đầu tư địa ốc, chơi chứng khoán, đầu tư vào đâu để giàu nhanh nhất...

Còn ai suy tư về phận dân, vận nước...

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Ngẫm lại cha ông ta hay quá. Ngày xưa đã là nam nhi thì phải học hành đỗ đạt rồi ra làm quan. Người ta có thể cho rằng họ theo đuổi danh lợi cá nhân, nhưng phải ghi nhận rằng họ lúc nào cũng nghĩ đến việc đóng góp cho triều đình, cho dân, cho nước.

Thật ra ngày nay việc theo đuổi lợi ích cá nhân cũng là một cách đóng góp cho xã hội. Cá nhân càng giàu thì đất nước càng giàu. Điều này là tốt, chỉ cần nó dựa trên nguyên tắc: theo đuổi lợi ích cá nhân trên cơ sở đóng góp nhiều nhất cho xã hội.

Vậy thì việc làm giàu của tầng lớp trí thức có gì sai?

Có lẽ không sai, nhưng đáng buồn. Lẽ ra họ nên có khả năng làm giàu bằng cách đóng góp tri thức và tài năng của mình cho xã hội.

Vậy thì đó là lỗi của ai?

Của xã hội. Vì xã hội đã không trả công xứng đáng cho tri thức và tài năng của họ. Vậy nên họ mới đi buôn chứ!

Nhưng trí thức mà như thế thì không còn là trí thức nữa. Họ đã gia nhập một tầng lớp khác mất rồi!