11 tháng 5, 2010

Cô Tư và thông tin phi đối xứng

Cô Tư cho ví dụ hay về thông tin phi đối xứng (asymmetric information). Nói về thông tin phi đối xứng là nói về tình trạng giữa 2 chủ thể giao dịch, một bên có nhiều thông tin để ra quyết định hơn bên kia. Ví dụ như trong đàm phán hợp đồng lao động giữa ngừa chủ và nhân viên, nhân viên biết rõ năng lực của mình còn người chủ thì không có thông tin đầy đủ về năng lực của nhân viên. Hoặc trong công việc, người chủ khó có thể biết nhân viên có làm việc hết mình hay không. Phi đối xứng thông tin gây ra "moral hazard" (trốn việc hay xài chùa hàng hóa công) và "adverse selection" (hàng xấu đẩy hàng tốt ra khỏi thị trường). Để vượt qua chướng ngại này, cần thiết kế hệ thống khuyến khích, các hợp đồng, ra tín hiệu (signaling) sao đó để khỏa lấp khoảng trống về thông tin,

Cô Tư đã cho ví dụ rất hay về việc ra tín hiệu trong điều kiện thông tin phi đối xứng.

10 tháng 5, 2010

Đàn bà và đàn ông Việt Nam

Thích bài phỏng vấn này với Phan Đăng Di, đạo diễn phim Bi, đừng sợ!

Trích:

Hỏi: Phim của anh tách bạch nhóm nhân vật nam và nhóm nhân vật nữ. Một bên là những người đàn ông "yếu đuối" (quyền uy của người ông bệnh tật, nghiện rượu của ông chồng (say xỉn), măng trẻ của cậu con trai) và bên kia là những người đàn bà tìm cách tự giải phóng mình ra khỏi những ham muốn của đàn ông. Anh có nghĩ là ta có thể hiểu rõ hơn về thực trạng của một xã hội qua những quan sát về thân phận người phụ nữ trong xã hội đó ?

Trả lời: Điều đó là hiển nhiên, chí ít thì vì phụ nữ họ là một nửa thế giới, và hơn thế là một nửa mạnh mẽ. Tôi tin điều này qua những gì tôi thấy được từ phụ nữ Việt Nam, họ mạnh không phải vì họ độc lập với nam giới, hay họ nắm quyền điều khiển xã hội, họ mạnh vì có những niềm tin giản dị và nghiêm túc hơn với cuộc sống, Sự nhẫn nại của họ trước những người đàn ông mà đa phần là không trung thực, thiếu tự tin và dễ dàng ngả theo những khoái cảm tầm phào cũng cho thấy họ vững vàng hơn đàn ông về mặt tinh thần... Trong một xã hội nhiều biến động như xã hội Việt Nam (chiến tranh, thiên tai, sự thay đổi liên tục các tín điều do đàn ông vẽ nên rồi lại xóa đi…) mà rồi cuối cùng mọi chuyện vẫn trở nên ổn thỏa được có lẽ là nhờ vào tinh thần bền bỉ chịu đựng và đức hy sinh của người đàn bà. Chính trong tinh thần đó, họ lặng lẽ học cách chấp nhận cuộc sống thường thì không dễ dàng, và chấp nhận những người đàn ông, thường là yếu đuối.

5 tháng 5, 2010

Vốn xã hội và tôn giáo

Vừa đọc được một nghiên cứu khá thú vị về mối tương quan giữa tôn giáo và lòng tin (1 dạng vốn xã hội), chợt nhớ đến bài này trên VNN đã lâu, khi mà tác giả viết "Tôn giáo cũng góp phần đáng kể trong việc hình thành vốn xã hội". Sau đó tôi có viết 1 bài cho rằng nhà báo cần thận trọng hơn khi viết những nhận định, bình luận của mình về một vấn đề nào đó mà mình không có chuyên môn sâu. Nghiên cứu này đưa ra bằng chứng khá thuyết phục bác bỏ nhận định trên của nhà báo.


Trục tung đại diện thước đo lòng tin, nước nào nằm càng trên cao thì càng có nhiều vốn xã hội. Trục hoành đại diện cho lòng tin tôn giáo, nước nào nằm càng về bên phải thì càng có nhiều người tin về vai trò quan trọng của tôn giáo trong cuộc sống của mình. Bạn xem thêm trong bài nghiên cứu để thấy xử lý thống kê để kiểm soát các tác động khác cũng khẳng định kết quả này.

Và bạn thấy tương quan nghịch giữa 2 khái niệm này rồi đó. Càng nhiều niềm tin tôn giáo thì lòng tin (vốn xã hội) càng thấp.

(Bổ sung: Một bạn email cho tôi đặt vấn đề về việc suy diễn kết quả thống kê từ tổng thể về cá biệt. Đây là bình luận khá sắc sảo.

Tôi nghĩ rằng nghiên cứu trong kinh tế nói chung, và các nghiên cứu cross-country cụ thể, cho ra kết quả để phục vụ tổng thể, mang tính trung bình. Nói tôn giáo tác động nghịch đến lòng tin thì chỉ đúng với tính chất tổng thể của vấn đề, nhưng có thể không đúng với một trường hợp cá biệt nào đó. Cho nên khi tôi dùng kết quả nghiên cứu về tổng thể để bác bỏ nhận định riêng về Việt Nam thì cũng không khoa học lắm. Đáng lẽ tôi phải viết là tôi biết kết quả chung của thế giới là như vậy, nếu tác giả muốn khẳng định tôn giáo có vai trò tích cực trong hình thành vốn xã hội ở Việt Nam thì tác giả hãy chỉ ra một nghiên cứu cụ thể ở VN chứng minh điều này. Còn nếu không chỉ ra được, coi như chúng ta không biết gì cả về mối quan hệ giữa tôn giáo và vốn xã hội ở VN, tuy nhiên xác suất để mối quan hệ này là nghịch lớn hơn xác suất để mối quan hệ là cùng chiều)
____________________

Bài nghiên cứu khá thú vị, nhất là phần 2 khi các tác giả tổng hợp các nghiên cứu trước đó.

4 tháng 5, 2010

Căng thẳng nhưng lạc quan

Doanh nhân Việt Nam nằm trong nhóm doanh nhân cảm thấy áp lực công việc căng thẳng nhất. Báo cáo của GrantThornton tường thuật 72% số doanh nhân Việt Nam cho rằng áp lực công việc năm nay nặng nề căng thẳng hơn so với năm ngoái. Đội sổ là Trung Quốc, khi chỉ số này là 76%. Doanh nhân ở Thụy điển có vẻ hạnh phúc nhất, khi chỉ có 23% cho rằng mình bị căng thẳng hơn năm rồi.

Báo cáo cũng cho rằng sự căng thẳng của doanh nhân có tương quan với GDP và số ngày nghỉ trong năm. Càng giàu và đi nghỉ nhiều thì càng cảm thấy ít căng thẳng.

Một báo cáo khác của GrantThornton cho thấy doanh nhân Việt Nam cực kỳ lạc quan về triển vọng của nền kinh tế, vượt xa các đồng nghiệp trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Chẳng hạn trong năm 2009, là năm tồi tệ nhất về kinh tế, thì vẫn có số doanh nhân Việt Nam lạc quan nhiều hơn số bi quan là 31%, trong khi chỉ tiêu này ở các nước châu Á - Thái Bình Dương là 2%.



Giải thích hiện tượng này như thế nào nhỉ?