23 tháng 9, 2010

Kinh tế học hành vi, kinh tế học thực nghiệm

Hỏi: Xin hỏi sự khác biệt (hay là liên hệ) giữa kinh tế học hành vi (Behavioural Economics) và kinh tế học thực nghiệm (Experimental Economics)? Có thể cho giúp ví dụ minh họa để hình dung về 2 lĩnh vực nghiên cứu này?

Hiện nay, sự phát triển và ứng dụng 2 lĩnh vực nghiên cứu này đang ở đâu? Có thể giúp gợi ý một số hướng nghiên cứu liên quan?

Xin cảm ơn.nhanlt


Trả lời:

- Sự khác biệt giữa "kinh tế học hành vi" và "kinh tế học thực nghiệm":

+ Chữ "hành vi" và chữ "thực nghiệm" khác nhau.

+ Kinh tế học hành vi đưa các yếu tố tâm lý học vào các mô hình kinh tế tiêu chuẩn (thường là tân cổ điển) để mô tả và giải thích mối liên hệ giữa các sự vật hiện tượng. Kinh tế học tân cổ điển không giải thích được hiện tượng này: 99,98% số người được hỏi ở Áo đồng ý hiến nội tạng (sau khi mình qua đời) vì mục đích nhân đạo, trong khi chỉ 12% người Đức láng giềng đồng ý hiến (Bài viết của Johnson và Goldstein trên Science số 302 năm 2003). Sự khác nhau này là do 1 yếu tố nhỏ: khi hỏi người Áo, mặc định chọn lựa là "đồng ý hiến nội tạng", trong khi với người Đức, mặc định chọn lựa là "không đồng ý hiến". Khi ra quyết định, người ta không chỉ dựa trên "sự ưa thích" (preferences) của bản thân mà còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác, chẳng hạn trường hợp để mặc định ở trên. Và cái này thì do yếu tố tâm lý chi phối. Daniel Kahneman, người được giải Nobel kinh tế học cho kinh tế học hành vi năm 2002, là một nhà tâm lý học.

+ Kinh tế học thực nghiệm không phải là một lĩnh vực nghiên cứu như kinh tế học hành vi mà thực ra là một phương pháp nghiên cứu. Có thể áp dụng phương pháp thực nghiệm kinh tế học cho hầu hết các lĩnh vực (chủ đề) nghiên cứu. Phương pháp nghiên cứu này là "thực nghiệm" hay "thí nghiệm" (một vài nghiên cứu ở VN dùng chữ "nghiên cứu thực nghiệm" dịch từ chữ "empirical study"). Các ngành khác thí nghiệm với chuột, kinh tế học thí nghiệm với người. Thí nghiệm về hành vi của con người. Chẳng hạn có 2 nhóm mọi thứ đều giống nhau, chỉ khác nhau là nam và nữ. Bạn đưa thành viên mỗi nhóm 100.000 đồng, và đề nghị trích từ đó ra một số tiền để đóng góp vào 1 quỹ từ thiện. Sau đó bạn tính trung bình số tiền đóng góp của 2 nhóm, để thấy nam với nữ ai nhân ái và thích công bằng hơn ai.

- Sự liên hệ giữa "kinh tế học hành vi" và "kinh tế học thực nghiệm":

+ Một giải Nobel kinh tế năm 2002 được trao cho 2 người: Daniel Kahneman về đóng góp cho kinh tế học hành vi, và Venon Smith về kinh tế học thực nghiệm.

+ Kinh tế học hành vi kết hợp quá trình tâm lý vào mô hình kinh tế. Mà kết quả của quá trình tâm lý thì khó mà biết được vì chì quan sát được hiện tượng, mà hiện tượng thì có thể có nhiều yếu tố lẫn vào tạo nên. Thực nghiệm kinh tế học cho phép kiểm soát các yếu tố lẫn vào đó, để từ đó rút ra được tác động tâm lý mà nhà nghiên cứu muốn biết.

- Tương lai: có thể tươi sáng! Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu vừa rồi cho thấy kinh tế học dòng chính kém cỏi khi đưa ra cách thức cấu trúc nền kinh tế và bất lực khi dự báo. Giải Nobel kinh tế năm 2009 được trao cho Elinor Ostrom. Giới kinh tế học thực nghiệm coi Elinor Ostrom là một nhà kinh tế học thưc nghiệm, mặc dù chuyên môn chính của bà là khoa học chính trị. Huy chương Clark cho nhà kinh tế học dưới 40 tuổi (một giải được coi như tiền Nobel) năm nay 2010 được trao cho Esther Duflo, là một nhà kinh tế học thực nghiệm, chuyên nghiên cứu về các vấn đề phát triển.

6 tháng 9, 2010

Sợi xích 2

Lần trước là em Lê Kiều Như, lần này là em tên là Lại Thị Diệu Hà. Thú thực tui rất lơ tơ mơ về nghệ thuật, nhưng thấy mọi người tung xích trói em Diệu Hà dữ dội quá nên ngứa miệng nói lung tung. Số là gần đây thiên hạ bàn tán xôn xao về một buổi trình diễn nghệ thuật đương đại ở Hà nội. Cô này trải lớp lông vũ màu xanh xuống sàn nhà, bên cạnh 1 lồng chim, rồi bước lên cởi quần áo dần dần cho đến hết, rồi bôi hồ lên người, nằm xuống cho mọi người lấy lông vũ phủ lên, rồi đứng dậy, lấy con chim bỏ vào miệng rồi nhả ra phóng sinh, rồi tự mình bay lên như chim.

Thú thực là tui vẫn chưa đủ trình độ để cảm được loại hình nghệ thuật này. Chỉ thấy thú vị là cô nghệ sỹ này thiệt là dám làm. Tuy nhiên mọi người la lối cô này quá xá. Tui thấy ý kiến mọi người tập hợp ở những điểm này nè (mà sao tui rảnh thiệt...):

- Thân hình cô này xấu quá, vậy mà cứ khoe ra. Có phải trình diễn thời trang đâu mà mọi người cứ xăm xăm vào đấy nhỉ, hay là phải cho em Hồ Ngọc Hà Ngô Thanh Vân lên diễn thay mọi người mới chịu? Mà tui thấy ở VN, muốn diễn tả sự tự do, các nghệ sĩ đừng cởi nữa, tại vì cởi ra là khán giả tập trung 100% năng lượng của họ vô cái đang phơi ra đó, thành ra quên phắt mất cái mạch kể chuyện của nghệ sĩ.

- Sân khấu xấu quá, sàn loang lổ, tường và trần nhà rách rưới, dân điện giăng nhùng nhằng. Giá mà màn này diễn trên sân khấu đèn đuốc cẩn thận thì có phải nghệ thuật hơn không. Tui lại thấy ban tổ chức làm sân khấu quá hợp lý với chủ đề trình diễn. Cái loang lổ nhùng nhằng kia chẳng phải là Việt Nam ngày nay sao? Trình diễn về sự trói buộc của các quy tắc, khát khao đến với tự do...trong cái nền đó chẳng phải là một thông điệp nữa sao?

- Ý tưởng chả có gì mới, trình diễn thô thiển. Mà mọi người dập em Diệu Hà tơi bời thông qua hơn tá tấm hình chụp từ 1 góc duy nhất mô tả lại cuộc trình diễn. E hèm, y như bình luận phim sau khi xem trailer vậy. Tui đồ rằng ở đó xem trực tiếp thì hiệu quả sẽ rất khác so với ngồi nhà coi mấy tấm hình.

Thôi, túm lại là tui thấy em này dám chơi dám chịu. Vậy là ngon rồi, chứ người ta thì nói không hà, có dám làm gì đâu.

2 tháng 9, 2010

Có nên đầu tư lập viện nghiên cứu cao cấp về toán?

Cùng với sự kiện GS. Ngô Bảo Châu được trao huy chương Fields, nhà nước đã có kế hoạch thành lập viện toán cao cấp và thông qua chương trình đầu tư trên 600 tỷ đồng để đưa ngành toán lên thứ 40 trên thế giới. Phần nội dung và giải pháp cho thấy chương trình này chú trọng đến việc phát triển đội ngũ nghiên cứu cấp cao về toán, có được ”các đề tài nghiên cứu toán học xuất sắc”, hơn là chú trọng đến việc đổi mới việc dạy và học toán trong nhà trường. Dước góc độ lợi ích xã hội, có nên đầu tư phát triển ngành toán với trọng tâm như thế này?

Có thể nói ngay, nếu mục tiêu là đưa ngành toán Việt Nam đứng thứ 40 trên thế giới thì cách tập trung đầu tư vào đội ngũ nghiên cứu cấp cao về toán là thích hợp. Việc xếp hạng thường được dựa vào số lượng và chất lượng các nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên ngành. Muốn có công bố thì phải đầu tư nghiên cứu đỉnh cao.

Tạm chia đầu tư vào toán học thành 2 hướng: (1) toán học đỉnh cao và (2) toán học cho toàn dân. Nếu được đào tạo toán bài bản và có hiệu quả, học sinh Việt Nam (và là người lớn sau này) sẽ có tư duy lô gích tốt, khả năng hiểu, phân tích, hệ thống vấn đề tốt, sẽ giúp ích nhiều cho công việc của chính họ, dù là nhân viên công nghệ thông tin hay nhà quản lý hay tiểu thương, và cho cả xã hội. Như vậy xã hội đầu tư theo hướng (2) sẽ là đầu tư cho chính bản thân mình. Toán học đỉnh cao sản xuất ra các kết quả khoa học đỉnh cao, đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới, kết quả đó trở thành tài sản chung của nhân loại. Nhân loại dựa trên các kết quả khoa học đó để chế tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phục vụ lợi ích cho con người. Sản phẩm của đầu tư toán học theo hướng (1) là một hàng hóa công (public goods).

Hàng hóa công là hàng hóa mà mọi người đều có thể chia sẻ sử dụng mà không giảm bớt lợi ích của mỗi người và không thể ngăn cản người khác sử dụng được. Đường giao thông nông thôn (ở thành thị cũng vậy) là hàng hóa công, ai đi cũng được, dù người đó có đóng góp tiền để làm đường hay không. Kết quả của công trình toán học cấp cao là một hàng hóa công, một khi được đăng trên tạp chí chuyên ngành, bất cứ người nào, nước nào cũng có thể sử dụng mà không cần trả tiền cho người cung cấp nó. Vấn đề của hàng hóa công là người ta có thể hưởng lợi mà không cần trả tiền (free ride), cho nên sẽ dẫn đến việc không ai cung cấp hàng hóa công. Cung cấp làm gì khi không thu lại được chi phí bỏ ra? Vấn đề sẽ được giải quyết bằng 2 cách: nhà nước thu thuế và từ đó cung cấp hàng hóa công hoặc/và tư nhân tự nguyện đóng góp cung cấp hàng hóa công.

Ở mức độ thế giới, không có nhà nước thế giới để thu thuế các quốc gia và cung cấp hàng hóa công mang tính toàn cầu, chẳng hạn giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, hay tài trợ các công trình nghiên cứu toán học lý thuyết cấp cao. Có bác nông dân nghèo nào tự đứng ra làm một con đường trải nhựa cho bà con (giàu và nghèo) đi miễn phí? Ngay cả người giàu cũng hiếm khi làm như vậy. Việt Nam đầu tư sản xuất các kết quả nghiên cứu toán cấp cao để cho thế giới dùng miễn phí?

Theo suy luận như trên, vì thế giới không có 1 nhà nước chung nên sẽ không nước nào đầu tư vào toán lý thuyết cấp cao. Mình sẽ không tốn công đầu tư để cho các nước khác dùng chùa. Tuy nhiên thực tế các trung tâm toán học cao cấp vẫn tồn tại. Các trung tâm này nằm chủ yếu ở Mỹ, Pháp, và các nước phát triển khác. Tại sao?

Khi không tồn tại nhà nước toàn cầu cung cấp hàng hóa công, chúng ta xem xét kênh cung cấp tư nhân tự nguyện đóng góp (voluntary contribution to public goods). Vấn đề là làm sao để các cá nhân có thể hợp tác với nhau, cùng nhau cung cấp hàng hóa công, càng ít người xài chùa càng tốt. Các nghiên cứu* về kênh cung cấp này cho thấy có nhiều lý do để cung cấp tự nguyện hàng hóa công như: nhu cầu đối với hàng hóa công lớn, bày tỏ khía cạnh đạo đức thông qua hành vi đóng góp như lòng vị tha, sự quan tâm đến xã hội, có lòng tin (trust) rằng người khác cũng hợp tác, hành vi tuân theo đám đông (conformity), có qua có lại (reciprocity) hay hợp tác có điều kiện (conditional cooperation). Trong các động cơ đóng góp tự nguyện này, nếu xét khía cạnh toàn thế giời, có lẽ nhu cầu đối với bản thân hàng hóa công là động lực đóng góp lớn nhất. Nghĩa là người ta sẽ tự nguyện đóng góp nhiều nếu người ta có nhiều lợi ích từ hàng hóa công đó. Giống như làm thủy lợi nội đồng, bác nông dân nào có nhiều ruộng đất sẽ là người tích cực nhất tham gia nạo vét kênh mương chung. Các nước Mỹ và Pháp sẽ là những nước hưởng lợi nhiều nếu có các công trình toán học hỗ trợ cho các phát minh Mỹ thuật kế tiếp. Họ có sẵn cơ sở, nguồn lực để phát ứng dụng kết quả nghiên cứu toán học. Trình độ phát triển của Việt Nam còn quá thấp để có thể ứng dụng ngay các kết quả nghiên cứu toán học lý thuyết để tạo ra phúc lợi cho xã hội.

Điều đó cho thấy, tính toán một cách duy lý, vì lợi ích của chính người Việt Nam, Việt Nam không nên tự nguyện đóng góp ”hàng hóa công” toán học cấp cao cho toàn thế giới. Nên dành khoản ngân quỹ có hạn đầu tư cho nền toán học toàn dân thì hợp lý hơn, vì lợi ích của chính người dân mình.

_____________________________________________________
*Ledyard, J. 1995. “Public goods: A survey of experimental research” in Kagel, J. and A. Toth (eds.), Handbook of Experimental Economics, Princeton University Press, Princeton, NJ.