31 tháng 3, 2010

Chúng ta thiếu NCKH trong kinh tế học

Trang mạng Diễn Đàn có 1 bài tựa đề là "Một năm nhìn lại" có mục tiêu là "để hiểu rõ hơn diễn tiến và tác động của những biến động dẫn đến những rủi ro kinh tế vĩ mô hiện nay, thử lược điểm, phân tích và tổng hợp các dữ liệu và luận cứ của các nghiên cứu trong và ngoài nước."

Tui không bình loạn gì về nội dung bài viết, nhưng chú ý đến cái danh mục tài liệu tham khảo. Danh mục này nói lên 1 thực tế: Việt Nam đang thiếu trầm trọng các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực kinh tế học.

Danh mục này có 16 nguồn trích dẫn, trong đó có 0 bài báo được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có bình duyệt (nghĩa là nghiên cứu khoa học đó được quốc tế công nhận về mặt chất lượng tối thiểu), 5 bài là các báo cáo nghiên cứu "working paper" của các tổ chức như IMF, WB v.v. và 11 bài còn lại là các bài trên báo chí. Theo tui các "working paper" hay báo cáo dạng này của IMF, WB thường có tính chất tổng hợp các quan sát hơn là nghiên cứu hệ thống về một vấn đề. Còn bài đăng báo chí thì khỏi nói, đó là cái lẩu mà thành phần là tin tức và quan sát và nhận định chủ quan của người viết.

Tóm lại, cảm giác của tui về danh mục tham khảo này là thực ra có bấy nhiêu thông tin, bấy nhiêu quan sát đấy thôi, rồi thì mỗi bài nhào qua nhào lại rồi vừa ôm chân voi vừa đoán thôi.

Tui rất tôn trọng nỗ lực và công sức của tác giả bài viết này, tui chỉ muốn minh họa 1 thực tế thôi. Đó là chúng ta rất đang thiếu những công trình nghiên cứu khoa học thực chất trong lĩnh vực kinh tế học, những công trình có thể chỉ ra được 1 cách có bằng chứng khoa học nhất các mối quan hệ kinh tế, để có thể làm nền tảng cho những chính sách kinh tế hợp lý.


Danh mục đây:

- Consultative Group Meeting for Vietnam Shogo Ishii - IMF 4/12/2009.

- Vietnam's Devaluation Helps Dong, but Problems Linger Alex Frangos, Patrick Barta - The Wall Street Journal 2/12/2010.

- Internationalization and macroeconomic management in Vietnam: Some lessons from Swedish experiences Ari Kokko, Kerstin Mitlid, Arvid Wallgren - Sweden 6/2007.

- Cả tư duy và mô hình tăng trưởng đã không còn phù hợp Trần Xuân Giá, Lê Hường - VnEconomy 9/2/2010.

- Vietnam as Asia's first domino? Shawn W Crispin - Asia Times 10/2/2010.

- Kích cầu dưới góc nhìn Ngân hàng Thế giới NVP lược trích - WB 10/6/2010.

- Vietnam's Devaluation Helps Dong, but Problems Linger.

- The Tet effect - The Economists 4/3/2010.

- Vốn kích cầu đổ vào chứng khoán - Phương Anh - Người Lao Động 14/4/2009.

- 10 điểm đáng chú ý của xuất nhập khẩu 2009 Anh Quân, VnEconomy 31/12/2009

- Thâm hụt thương mại và cán cân thanh toán : Bài toán khó Phan Nam - Diễn Đàng Doanh Nghiệp 5/3/2010

- Vietnam's chronic currency weakness takes toll on firms John Ruwitch - Reuters 10/12/2009.

- Beyond The Financial Crisis: Vietnam Economic Prospects in 2010 - IMF 11/5/2009.

- Đi tìm nguyên nhân thực của căng thẳng tỷ giá Nguyễn Hoài - VnEconomy 11/2/1020.

- Thay đổi cơ cấu: giải pháp kích thích có hiệu lực duy nhất Harvard, Fulbright program 1/1/2009.

- Điều chưa nói trong báo cáo. Jonathan Pincus - Thời báo Kinh tế Sàigon 11/6/2009

Sinh viên ĐH Cần thơ hiểu về NCKH

Tui định bình loạn về cái tin "31,48% SV chưa nắm được thế nào là nghiên cứu khoa học" đăng trên Dân Trí thì biết đã có GS. Nguyễn Văn Tuấn viết rồi, đành thôi vậy. Góp thêm ví dụ:

- Không chỉ sinh viên, nhiều nhà nghiên cứu trong các trường đại học, viện nghiên cứu hiểu không đúng về NCKH. Dẫn chứng nhé: bạn vô trang web của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, chọn nút "Tài nguyên", chọn tiếp "Công trình nghiên cứu", chọn tiếp "Nghiên cứu của giảng viên", và bạn sẽ thấy đa số "công trình nghiên cứu của giảng viên" là các bài viết đăng trên các báo Vietnamnet, TBKTSG. Nếu các bài viết đăng báo này xuất phát từ 1 công trình nghiên cứu cụ thể nào đó thì không có vấn đề gì, nhưng hầu hết các bài này lại là "công trình" giảng viên ngồi đọc tin báo chí + đọc thêm tài liệu học thuật rồi nhào lại mà thành. Và đó được xem là "Nghiên cứu của giảng viên".

- Một lý giải thêm về tại sao không nên viết 31.48% mà nên viết 31% hoặc 32% hoặc 1/3: với kích thước mẫu 1000, thì có thể các con số 31%, 31.48%, 32%, 1/3 không khác nhau về mặt ý nghĩa thống kê. Mà đã không có gì khác nhau thì trình bày 31% hay 1/3 sẽ dễ nhớ hơn con số 31.48%.

30 tháng 3, 2010

không chịu dự báo...

Greg Mankiw, giáo sư kinh tế đại học Harvard, có kể 1 kinh nghiệm trong 1 bài viết trong blog của ổng:

"...tương đối ít nhà kinh tế học chịu bỏ thời gian làm công việc dự báo. Các nhà kinh tế học lên Tivi thường cố dự báo tương lai, nhưng đấy chẳng phải là những nhà kinh tế học hàng đầu đâu. Thú thực, lý do mà tôi không có hứng thú lên Tivi là vì nhà đài cứ hay hỏi mấy câu cứ như thể các tiến sĩ kinh tế học có thể thấy được tương lai hơn mấy người khác, trong khi các tiến sĩ kinh tế thực thụ biết rằng quá trình đào tạo kinh tế học đề cập rất ít đến dự báo".

Mà tụi Mỹ nó làm nghiên cứu ào ạt, hầu như lĩnh vực chuyên sâu nào cũng có nghiên cứu, nghĩa là nói ra là có bằng chứng khoa học hỗ trợ, vậy mà còn lười, nhát gan không zự béo đóng góp gì cho tổ quốc hết trơn...đúng là bọn tư bổn đến hồi giãy chết...


Nguyên văn:

"...relatively few academic economists devote their time to forecasting. The economists you see on TV are often trying to predict the future, but that is hardly a random sample of top economists. Indeed, one reason I am not fond of TV appearances is that TV hosts frequently ask questions that presume PhD economists can see into the future better than others, whereas actual PhD economists know that very little of our training has anything to do with forecasting."

29 tháng 3, 2010

Lý thuyết đàn hồi và khủng hoảng kinh tế

Bữa nay tui bạo gan nói về "khủng hoảng kinh tế". Số là the New York Times vừa có bài của Greg Mankiw về phải làm gì để chiến đấu với khủng hoảng kinh tế. Mankiw cho rằng thiệt là khó có thể dự báo khủng hoảng kinh tế (có lẽ vì các nhà kinh tế học đang khủng hoảng he...he...) và khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai. Cho nên tốt hơn hết là bà con nên phòng cơ tích trữ, mì tôm, mắm ruốc v.v. Có bồ nhí thì nhớ mua bảo hiểm cho nó.

Tui chợt nhớ về cái lý thuyết đàn hồi (Resilience theory) mà tui được khai lòng 2 năm trước. Cái lý thuyết này bắt nguồn từ lý thuyết hệ thống sinh thái. Hệ thống sinh thái nào, chẳng hạn rừng ngập mặn, có khả năng đàn hồi cao thì khả năng sống sót và phát triển qua cơn bĩ cực (ví dụ như bão tố, sâu bệnh) bấy nhiêu. Sau này lý thuyết mở rộng ra, đưa thêm khái niệm xã hội vô, thành ra tính đàn hồi của hệ thống sinh thái-xã hội trước biến cố rủi ro. (Xem thêm về lý thuyết này ở Stockholm Resilience Center mà tác giả Nobel kinh tế học năm nay Elinor Ostrom là một thành viên hội đồng. Nóng chưa?)

Giải thích tính đàn hồi bằng hình vẽ hen.





Cái hố tròn tròn trên hình bên trên là để nói khả năng đàn hồi lớn hay nhỏ. Hố càng rộng càng sâu thì khả năng đàn hồi càng lớn. Cái hình đồ thị bên dưới là để diễn tả hệ thống khi có khủng hoảng/sốc/rủi ro. Hình (a): hệ thống (là cái viên tròn tròn đó) đang ở trạng thái cân bằng ban đầu. Hình (b): vì lý do gì đó, khả năng đàn hồi bị giảm, cái hố giãn ra. Hình (c): khủng hoảng đến (là mũi tên đó) tác động vào hệ thống. Hình (d): do tính đàn hồi kém, khủng hoảng đẩy hệ thống rơi vào trạng thái cân bằng mới, thấp hơn trạng thái ban đầu.

Bây giờ tui mở rộng lý thuyết đàn hồi này cho toàn bộ nền kinh tế luôn (ghê hông? tui không biết đã có ai nói về chuyện này chưa). Mankiw cho rằng khủng hoảng kinh tế là khó có thể dự báo được. Qua rồi cái thời cứ ầm ầm tiến lên phía trước và tin rằng chúng ta có thể chiến thắng được tất cả. Cho nên cần phải tư duy lại cách thức tổ chức nền kinh tế. Theo tui cần tư duy theo kiểu lý thuyết đàn hồi, tức là cần chuẩn bị và xây dựng hệ thống kinh tế ở trong 1 cái khung có tính đàn hồi cao, để khủng hoảng có xảy ra thì cũng không đủ sức đẩy nó ra khỏi trạng thái cân bằng cao mà rơi xuống trạng thái cân bằng ở vực thẳm.

Nghĩa là phải làm thế nào để cái hố chứa nền kinh tế của chúng ta bây giờ vừa rộng, vừa sâu, vừa dốc. Bộ Chính trị ra nghị quyết như thế nhé. Các đồng chí bên dưới triển khai nghiên cứu tiếp "rộng, sâu, dốc" là cái gì nhé, và làm thế nào để hoàn thành nghị quyết nhé.

28 tháng 3, 2010

Cơ hội nào cho giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học?

Ấy là tui nhại lại tiêu đề của bài viết của tiến sĩ Đỗ Tiến Sỹ trên báo Giáo dục và Thời đại online. Nếu bạn thích văn phong thể loại nghị quyết thì nhấn vào đây, bạn thích cà rỡn thì đọc tiếp phần tui viết dưới đây.

Nhưng cũng phải tóm tắt bác hai tiến sĩ ấy viết gì. Bác ấy nêu 1 số "giải pháp" sau: (1) Tạo hành lang pháp lý phát triển GVT, phát huy năng lực NCKH, (2) Đổi mới công tác hướng dẫn, bồi dưỡng GVT, (3) Phát triển phong trào thi đua NCKH, (4) Cải thiện chế độ tiền lương ngạch giảng viên, chế độ khen thưởng, cơ chế phân bổ kinh phí hợp lý.

Còn tui thì chỉ nghĩ ra được 1 "giải pháp" duy nhất: muốn giảng viên trẻ nghiên cứu khoa học, thì đừng cho giảng viên già nghiên cứu khoa học nữa.

Ấy, câu trên tui nói zui, là tui dùng thủ pháp tạo điểm nhấn thôi. Nói zậy nhưng không phải zậy. Ý của tui là: cái cơ chế NCKH trong đại học từ trước tới giờ không tạo ra động lực (incentive) thúc đẩy giảng viên trẻ NCKH. Nếu thực sự muốn tạo cơ hội cho họ, hãy cho họ cái khung NCKH mới (trong khi vẫn có thể duy trì cái cũ cho người cũ).

Tui nghĩ như zầy nè:

Trường đại học nên chia ngân sách cho NCKH hàng năm thành 2 phần: phần 1 vẫn hoạt động như đang hoạt động, phần 2 dành cho NCKH hướng mới. Tạo ra một cơ chế hoạt động riêng cho ngân sách phần 2 này. Chẳng hạn giao cho một nhóm, để nhóm hoàn toàn tự quyết việc chi tiêu ngân sách nghiên cứu và đặt mục tiêu cho nhóm này, chẳng hạn sau 3 năm có 2 bài được đăng tạp chí chuyên ngành quốc tế mức trung bình.

Tui nêu lý do việc tách ra dưới đây.

Hầu hết các NCKH hiện tại đều không đạt chuẩn 1 nghiên cứu (research) theo tiêu chuẩn trung bình trên thế giới. Bạn đọc 1 bài báo cáo nghiên cứu đăng trên 1 tạp chí chuyên ngành mức trung bình của thế giới thử xem. Vấn đề giải quyết có thể không có gì mới, nhưng phương pháp giải quyết vấn đề đó sẽ đâu ra đó, tổng kết lý thuyết ra tổng kết lý thuyết, mô hình ra mô hình, phân tích kinh tế lượng ra phân tích kinh tế lượng.

(bạn có thể nói nhiều NCKH hiện giờ cũng có phân tích kinh tế lượng phức tạp chứ bộ, nhưng tui cho rằng phần lớn phần kinh tế lượng trong các nghiên cứu này mang tính trang trí trình diễn là chính, chứ không có ý nghĩa học thuật. Tui sẽ nói chuyện này sâu hơn trong 1 bài viết khác)

Cứ phải tham gia vào những NCKH không đạt tiêu chuẩn học thuật sẽ làm thui chột động lực tìm tòi sáng tạo bên trong của giảng viên trẻ. Tệ hơn nữa nếu giảng viên trẻ tham gia vào 1 nghiên cứu mà công việc chủ yếu là copy mỗi tài liệu 1 ít xào lại thành báo cáo nghiên cứu của mình. Nó làm cho giảng viên trẻ ngộ nhận rằng làm nghiên cứu chỉ có vậy, và để làm được như vậy thì không cần đầu tư công sức gì ghê gớm lắm.

Hướng NCKH mới này cũng bao gồm khả năng tạo ra động lực tài chính cho giảng viên trẻ. Chẳng hạn tại 1 trường đại học hàng đầu ở VN, 1 báo cáo nghiên cứu được đăng trên tạp chí quốc tế sẽ được thưởng 2 triệu đồng. Tui nghĩ lẩn thẩn tại sao không thưởng 60 triệu đồng. 60triệu là bằng số tiền đầu tư cho 3 nghiên cứu cấp trường. Tác động lan tỏa của 1 báo cáo được đăng trên tạp chí quốc tế chắc chắn sẽ lớn hơn của 3 bài báo cáo nghiên cứu cấp trường, tui nghĩ zậy.

(có trường ĐH ở châu Âu trả lương cho giảng viên dựa theo số bài báo khoa học đăng trên tạp chí chuyên ngành. Một bài đăng trên American Economic Review có trọng số bằng 25 bài trên tạp chí trung bình. Cứ nhìn vô CV là biết ai lương cao lương thấp rồi hen, khỏi cần biết người đó có được bình bầu là lao động tiên tiến không hen)

Túm lại, "giải pháp" của tui có 2 điểm: (1) tạo động lực học thuật bằng cách tách giảng viên trẻ ra khỏi hướng cũ, đưa họ vào 1 nhóm tự trị, (2) tạo động lực tài chính bằng cách cắt bớt nguồn tài chính hướng cũ, dồn vào hướng mới.
___________
Cập nhật: có bài này hơi liên quan trên VNN "Tự sự nhức lòng của tiến sĩ ngoại trở về đại học lớn"

27 tháng 3, 2010

Lịch sử quay trở lại

là tựa đề của bài viết khá thú vị trên the New York Times, "The return of history". Đại thể là tác giả cho rằng dòng đời kinh tế học có 5 hồi.

Hồi 1: thời kỳ kinh tế học là một khoa học, các nhà kinh tế đưa ra các giả thuyết và xây dựng các mô hình đẹp đẽ nhằm mô tả những gì diễn ra trong nền kinh tế và dự báo những gì sẽ xảy ra.

Hồi 2: các giả định chặt chẽ (nhưng phi thực tế) của các mô hình hồi 1 được nới lỏng bằng các nghiên cứu kinh tế học hành vi.

Hồi 3: đỉnh cao của các mô hình kinh tế học đến thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Các mô hình kinh tế học tỏ ra bất lực khi cố gắng tiên đoán và giải thích khủng hoảng tài chính.

Hồi 4: hiện giờ nè, kinh tế học đang tìm kiếm linh hồn của chính mình. Ta là ai? Có vẻ như các nhà kinh tế bắt đầu quan tâm đến cảm xúc, các ràng buộc xã hội, tình yêu v.v. Kinh tế học đang theo hướng trở nên gần gũi với xã hội học, tâm lý học hơn là giống các mô hình toán và vật lý học.

Hồi 5: hồi tương lai, tác giả dự đoán mấy cái mô hình toán kinh tế và kinh tế lượng xử lý số liệu sẽ bị diệt vong. Kinh tế học là một nghệ thuật, như văn học vậy, chứ không còn là một ngành khoa học.

Tui nghĩ, nếu tác giả muốn nói lịch sử kinh tế học quay trở lại, giống như ngành thời trang với chiếc quần khi ống hẹp khi ống loe, thì ổng phải để hồi 1 là hồi của Adam Smith, khi chưa có mô hình toán gì ráo. Hồi 5 sẽ quay trở lại hồi 1. Lịch sử quay trở lại.

Tui nghĩ, tác giả nói hiện giờ là hồi 4, các nhà kinh tế học quan tâm, nhưng ở mức độ nhỏ bé, đến các yếu tố như tinh thần, tâm hồn, quan hệ xã hội v.v. sau thất bại thấy rõ của các mô hình kinh tế tân cổ điển trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, là không chính xác lắm. Thực ra nhất nhiều nhà kinh tế học đã nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội, về yếu tố tâm lý học, cảm xúc v.v. từ những năm 1980 (kinh tế học thể chế). Giải Nobel kinh tế học năm nay được trao cho Elinor Ostrom, một nhà khoa học chính trị, chuyên nghiên cứu về các mối quan hệ xã hội và việc quản lý tài nguyên chung, cho những công trình nghiên cứu của bà từ những năm 1990. Thực ra kinh tế học hành vi của hồi 2 và kinh tế học thể chế đã bước vào nhau rất nhiều từ lâu rồi, và đang trộn lẫn để cho ra cái kinh tế học mà tác giả mô tả trong hồi 4.

Tác giả cho rằng kinh tế học sẽ theo kiểu "case study", rút kinh nghiệm và dự báo từng trường hợp theo kiểu xã hội học hay văn học. Tui nghĩ rằng hành vi và các mối quan hệ tương tác của con người có đặc tính phổ quát. Nghĩa là kinh tế học vẫn có thể mô hình hóa nó, cung cấp cho chúng ta tấm bản đồ, để giảm thiểu khả năng bị lạc đường của chúng ta.
______________________________________

Bổ sung: và xem Greg Mankiw bình luận bài viết này trên blog của ổng nè.

26 tháng 3, 2010

Thư ngỏ gửi thầy trưởng khoa (nhờ đăng)

Một bạn đọc gửi cho tôi email, viết rằng do không có blog riêng, vả lại cũng không dám đường đột gửi trực tiếp cho thầy trưởng khoa, nên cậy đăng lá thư của bạn ấy lên đây.
______________________________________________________________________

Kính gửi thầy trưởng Khoa Kinh tế,

Thưa thầy, em mới được thông tin khoa Tài chính Doanh nghiệp vừa tổ chức 1 "hội thảo khoa học" có tên là "Những trường phái và góc nhìn khác nhau về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu - Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam". Nhìn những tấm hình diễn giả đứng trên sân khấu hoành tráng như sân khấu đêm trao giải Oscar, đọc những cái tên hùng vĩ của những bài báo cáo như "khủng hoảng kinh tế học hàn lâm" "thiết lập hệ thống cảnh báo" "thuyết bất ổn tài chính" v.v. em không thể ngừng không bày tỏ lòng kính trọng với các thầy cô giáo khoa TCDN. Các thầy cô bận rộn trăm ngàn công việc giảng dạy Tài chính doanh nghiệp và Kinh doanh bảo hiểm, thế mà còn dành được thời gian nghiên cứu rộng và sâu các vấn đề kinh tế vĩ mô và kinh tế tài chính quốc tế như thế.

Tuy nhiên em hoàn toàn không có ý gì về khoa mình ạ, mặc dù biết rằng khoa mình có các bộ môn Kinh tế học, Kinh tế quốc tế, và lại còn bộ môn Kế hoạch và đầu tư nữa, là những đơn vị học thuật rất thích hợp với chủ đề hội thảo trên. Em chỉ mong ước thầy với tư cách là lãnh đạo khoa, thiết lập mối giao lưu thân thiết với khoa TCDN, để chúng em có cơ hội giao lưu học hỏi, để có thể làm được một góc đề tài của 1 trong các đề tài trên là chúng em thỏa lòng mong ước lắm rồi ạ.

Em xin nguyện sẽ cố gắng trau dồi phẩm chất đạo đức tác phong để một ngày nào đó được đứng trên sân khấu kia, được đóng góp 1 phần nhỏ đưa khoa mình sánh vai cùng các khoa khác ạ.

Kính chúc thầy sức khỏe,
(đã ký)
Một giáo viên của khoa.

24 tháng 3, 2010

Lý thuyết thiên lệch về nhận thức

Khi Lê Công Định bị bắt, Trịnh Hội đã có 1 bài viết chia sẻ, và có 1 ý thế này "Tưởng là ở Việt Nam có tiền là sẽ có tất cả...Nhưng có một thứ không có gì sánh bằng...Đó là sự tự do và lòng tự trọng biết phải làm gì để không hổ thẹn với núi sông". Nếu nhận định này là đúng, câu hỏi đặt ra là người Việt Nam có cảm nhận mình thiếu tự do (và lòng tự trọng) lắm không?

Nếu câu trả lời là "có, người Việt Nam thấy mình thiếu tự do và thiếu tự trọng" thì chúng ta đã thấy được nhiều bão tố lắm rồi. Mà nay chỉ là những con gió thoảng. Giải thích hiện tượng này như thế nào?

Akerlof và Dickens trên một bài viết có tựa là "the economic consequences of cognitive dissonance" đăng trên American Economic Review số 72 năm 1982 có dẫn nhiều quan sát về hiện tượng thiên lệch nhận thức. Nhân viên làm việc ở các nhà máy điện hạt nhân (bao gồm các tiến sĩ) thường không đeo dụng cụ an toàn phóng xạ, mặc dù họ biết môi trường làm việc nguy hiểm. Dân ở vùng có rủi ro động đất hay lũ lụt cao lại không mua bảo hiểm thiên tai.

Lý thuyết thiên lệch nhận thức (theory of cognitive dissonance) cho rằng con người không những đạt được sự hữu dụng (utility) từ các hoạt động tiêu thụ vật chất mà còn hạnh phúc với chính niềm tin của mình. Khi mình tin vào điều gì đó, niềm tin này cũng đem lại lợi ích như khi mình ăn cái gì đó. Con người có thể chọn tin hay không tin vào một điều gì đó.

Nhân viên nhà máy điện hạt nhân đã quyết định tin rằng mình đang làm việc ở một nơi an toàn. Và niềm tin này đem lại cho họ sự sảng khoái, không còn sự khó chịu lo âu. Một khi họ quyết định như vậy, rõ ràng lợi ích lòng tin đem lại lớn hơn chi phí có thể có nếu rủi ro xảy ra.

Tâm lý học giải thích hiện tượng này như sau. Con người cảm thấy không ổn khi có 2 nhận thức trái ngược nhau. Và con người có thiên hướng xem họ là thông minh dễ thương. Cho nên bất cứ nhận thức nào xung đột với hình ảnh của mình thì con người dễ lãng quên hoặc chối bỏ.

Nhân viên nhà máy điện hạt nhân đã phải quyết định giữa 2 nhận thức, mà 2 nhận thức này xung đột với nhau. Một bên là nhận thức cho rằng mình là người thông minh không thể chọn một chỗ làm nguy hiểm rủi ro được. Nhận thức kia là biết rằng công việc thực sự là nguy hiểm. Nếu người nhân viên tiếp tục làm việc trong môi trường nguy hiểm, tức là họ đã chối bỏ nhận thức mình đang làm việc trong môi trường nguy hiểm, và họ đang hài lòng với nhận thức mình cũng không đến nỗi tồi, cũng biết chọn chỗ an toàn mà làm.

Nếu người Việt Nam nghĩ mình đang sống trong xã hội tự do và mình cũng có lòng tự trọng thì cũng tự nhiên thôi. Một phần bản chất con người. Các bác Vịt kiều yêu nước chớ có nhìn họ với ánh mắt có câu hỏi tại sao nhé.

Đoàn mà cũng khá



Thích câu khẩu hiệu Đoàn trường ĐHKT TP. HCM đặt trên sân khấu đêm hội "Sức trẻ Kinh tế 2010". Không câu nào khác mà chính là câu này. Ở dưới là "sức trẻ", ở trên là "giữ lấy nước".

23 tháng 3, 2010

Sợi xích

Em Lê Kiều Như viết sách Sợi xích, mới rình rang lễ ra mắt hôm trước, hôm sau đã bị các báo đánh đập chửi rủa tơi bời, rồi nhà xuất bản Hội nhà văn đề nghị ngưng phát hành. Lý do chính thức thì là "vi phạm quy trình xuất bản", nhưng thực ra NXB không chịu nổi áp lực của dư luận.

Một số người cho rằng cần cấm xuất bản vì sách dung tục và "cảm thấy hơn cả sự sỉ nhục", rồi còn dẫn thơ Nguyễn Bính ra ám chỉ tác giả "đĩ già tập tễnh nói văn chương...".

Tôi không được đọc hết cuốn truyện này, chỉ dòm qua 1 chương trên blog cogaidolong, chắc là chương nóng nhất. Blog Nguyễn Trọng Tạo cũng cho biết truyện "chỉ có mấy đoạn tả chuyện phòng the". Nếu đúng chất là như vậy và lượng là như vậy thì có nên cấm xuất bản truyện này vì lý do mấy cảnh sex của nó?

Các vị phản đối không biết đã đọc "Hạt cơ bản" của Michel Houellebecq do NXB Đà Nẵng phát hành chưa? Tiểu thuyết này "đã được dịch ra 30 thứ tiếng và phổ biến hầu như toàn cầu". Quý vị sẽ thấy rất nhiều đoạn mô tả sex các kiểu, từ 1 mình đến 2 mình đến tập thể; từ trên bãi biển đến dưới hồ bơi đến trong hộp đêm và trên tàu lửa. Mà ngôn từ mô tả đâu phải kiểu bồng bềnh bay bổng qua những đám mây hồng đâu, mà là kiểu thọc tay bẻ củ khoai lang cho vào mồm cắn rốp rốp.

Nếu mà lấy tiêu chuẩn mô tả chuyện phòng the ra mà cấm xuất bản "Sợi Xích" thì cũng nên cấm cả "Hạt Cơ Bản".

Và không thể cấm xuất bản 1 cuốn sách chỉ vì nó dở. Người ta phải có quyền viết sách dở chớ bộ. Một thị trường sách đa dạng vẫn hơn chứ. Mỗi người đều có vai trò nào đó trong cuộc sống, sao lại trói người ta lại? Cứ tưởng tượng các nhà sinh học mới tìm ra một loài dê núi ở Việt Nam. Loài dê này xấu xí, thịt dai, theo tiêu chuẩn thị trường thì chả có ích gì. Báo chí lại chả ào vào đưa tin nóng sốt à. Loài dê dại này đang đóng góp vào sự "đa dạng sinh học", và sau này mới có dê nhà thuần dưỡng để các bác có món lẩu dê ngon lành mà thưởng thức chứ.

Em Lê Kiều Như ơi, có vẻ em đang bị sợi xích khác trói rồi.

___________________________________

Cập nhật: mới phát hiện Lý Đợi có 1 bài trên BBC cũng về chuyện này.

22 tháng 3, 2010

Hợp tác hay là...?

Mỗi khi 2 đứa con tôi bắt đầu giành đồ chơi chung thì chiến lược phân xử của tôi là: tịch thu đồ chơi đó và nói với 2 đứa rằng nếu tụi con cùng chơi chung thì sẽ được chơi tiếp, còn nếu ai đòi chơi riêng và gây lộn thì sẽ chẳng ai có đồ chơi.

Tôi hy vọng chiến lược này có hiệu quả và rèn được cho tụi nhỏ biết cách hợp tác, đặng lớn lên mà sống với đời. Ấy là vì tôi nghĩ đến bài toán "tình thế tiến thoái lưỡng nan của người tù" (Prisoners'dilemma). Tóm tắt bài toán là như thế này, đọc kỹ hơn ở đây :

Hai kẻ bị tình nghi là tội phạm bị cảnh sát bắt. Cảnh sát không có đủ chứng cớ để kết án họ, và đã cách ly họ. Cảnh sát gặp từng người một và làm cùng thoả thuận: nếu một người thú tội mà người kia im lặng, người im lặng sẽ bị phạt 10 năm tù và người thú tội sẽ được thả tự do. Nếu cả hai đều im lặng, cảnh sát chỉ phạt được mỗi tù nhân 6 tháng tù vì một tội nhỏ khác. Nếu cả hai đều thú tội, mỗi người sẽ bị phạt 2 năm.

Với 2 người này, cách tốt nhất là hợp tác với nhau, cùng im lặng không khai, mỗi người sẽ chỉ bị 6 tháng tù.

Tương tự, nếu xóm nhà lá chúng ta lập 1 thư viện, rồi huy động mọi người trong xóm tự nguyện đóng góp truyện sách. Nếu mọi người đều đóng góp, xóm nhà lá sẽ có 1 thư viện nhiều sách cho con nít tụi nó đọc, vừa bổ não tụi nó vừa giảm tổn thọ cho cha mẹ.

Tuy nhiên, tôi lại hoang mang. Kết quả thực nghiệm kinh tế học với trò chơi hàng hóa công (public good game), là một dạng của bài toán tình thế tiến thoái lưỡng nan của người tù ở trên, cho thấy: những người hợp tác trong trò chơi sẽ có thu nhập thấp, những người không hợp tác (free riders) sẽ có thu nhập cao nhất. Cũng giống như làm bài tập nhóm. Sẽ có 1, 2 người cày cuốc vất vả làm bài tập, còn 2, 3 người khác la cà uống nước mía ăn gỏi cuốn. Điểm bài tập nhóm sau đó là bằng nhau với mọi người.

Con mình mà hợp tác, nó sẽ bị thiệt thòi với đời. Còn những người ăn mảnh, mới là gương điển hình thành công. Không phải vậy sao?

19 tháng 3, 2010

Nhà báo có nên đi ăn trưa một mình?

Tui nhớ mang máng đâu đó có người nói đại ý: nhà báo giỏi là nhà báo biết mời ăn trưa đúng nhà chuyên môn, để đến khi có "sự kiện" thì có ngay ý kiến của nhà chuyên môn đó. Chẳng hạn biết trong đại học Kinh tế có ông nào chuyên nghiên cứu về tê giác thì mời ổng đi ăn trưa, đặng một ngày nào đó mấy con tê giác rừng Cát tiên có lăn quay ra thì có ngay ông đó để phỏng vấn nguyên nhân, cách thức quản lý tài nguyên thế nào mà dẫn đến hậu quả như vậy và bài học cho việc quản lý các con khác.

Cho nên tui hiểu nghề làm báo là nghề chuyên đưa tin tức sao cho nhanh, đúng. Phần bình luận đánh giá nội dung tin thì thuộc về các nhà chuyên môn và sau đó là công chúng.

Thành ra tui cũng khá hoang mang khi thấy trên báo mình, nhà báo thay vì mời chuyên gia đi ăn trưa, nay tự ăn một mình rồi viết bài bình luận luôn. Bạn biết tui sắp nói gì rồi: bài viết-ăn-trưa-một-mình đó không đủ hàm lượng chuyên môn. Khổ nỗi dân ta lại có thói quen tin báo chí lắm, muốn dẫn chứng gì thì hay nói đại loại như "báo như vậy đó đó, cấm có sai nhé".

Mà không phải chỉ có dân thường tin báo chí đâu nhé, có nhiều giáo sư đại học hay nói năm ngoái tui viết được 50 bài báo, trong khi tụi giáo sư nước ngoài thường viết được khoảng 5 - 7 bài/năm là cùng. Giáo sư nhà mình cho rằng bài báo trên báo vnexpress (đăng bên cạnh tin uống thuốc lắc chồng đòi 20 lần một ngày) cũng là bài báo khoa học. Dẫn chứng thêm nè: vô trang quép chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Việt Nam thử xem. Mục nghiên cứu của giảng viên đó. Mấy bài viết đăng báo SGTT, TBKTSG, VNN cũng là công trình nghiên cứu đó nghen. Rồi lật tiếp mấy cuốn luận văn từ bậc đại học đến bậc tiến sĩ mà xem, toàn trích dẫn từ báo chí. Tui chắc sắp tới cũng sẽ có nhiều luận văn, công trình nghiên cứu khoa học các cấp trích dẫn cái bài "vốn xã hội" mà tui bình loạn dưới đây cho mà xem.


Bài này trên VNN do nhà báo vừa ăn trưa một mình vừa viết.

1. Tiêu đề của bài báo là "vốn xã hội của chúng ta còn thấp".

Sự thực thì chưa có bằng chứng học thuật nào đề biết vốn xã hội của Việt Nam cao hay thấp. Có một số nhà nghiên cứu tiến hành thực nghiệm kinh tế học ở VN, kết quả là khả năng hợp tác hay sự quan tâm xã hội (social preferences) (là các yếu tố cấu thành nên vốn xã hội) của người Việt cao hơn mức trung bình của thế giới nhiều. Quan sát cho thấy, sự gắn kết cộng đồng, họ hàng làng xã (là yếu tố cấu thành vốn xã hội) của người Việt cũng khá lớn. Thế thì vốn xã hội của ta thấp nà thấp ở chỗ lào?

2. Tác giả viết "vốn xã hội thấp thể hiện sự khủng hoảng về lòng tin của cá nhân trong cuộc sống hàng ngày".

Cảm nhận thì có thể nói lòng tin đang bị khủng hoảng thật. Nhưng bằng chứng từ World Value Survey cho thấy lòng tin (nói chung, với người lạ, với chính phủ) không thấp hơn mức trung bình của thế giới chút nào. Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh trong một nghiên cứu cho UNDP chỉ ra lòng tin của bà con ta ở ĐBSCL thật tuyệt vời.

3. Tác giả nhận định hỗn loạn trong giao thông là biểu hiện của vốn xã hội thấp.

Các yếu tố cấu thành vốn xã hội: mạng lưới xã hội (bạn bè, họ hàng), lòng tin, sự hợp tác. Yếu tố nào gây ra tình trạng hỗn loạn trong giao thông? Sự hợp tác? Elinor Ostrom chuyên nghiên cứu về vấn đề này, chỉ ra rằng muốn có hợp tác thành công, vai trò của thể chế (institution) là vô cùng quan trọng. Nếu muốn nói hỗn loạn giao thông là do thiếu hợp tác, thì không có nghĩa là do vốn xã hội thấp, mà do thể chế yếu.

4. Tác giả viết "Vốn xã hội được xem là phẩm chất của người dân"

Chỉ một dòng nhỏ các nhà nghiên cứu xem vốn xã hội là phẩm chất của cá nhân người dân. Dòng chủ đạo xem vốn xã hội là đặc tính của một cộng đồng.

Khỉ thật, câu sau tác giả lại viết "Khác với các loại vốn hữu hình như tài nguyên, lao động, tiền bạc, đây là loại vốn vô hình của một cộng đồng chứ không phải của một cá nhân".

5. Tác giả viết "vốn xã hội là một loại nội công, phải luyện tập lâu ngày mới có mà lại rất dễ tiêu hao".

Thực nghiệm kinh tế học chỉ ra rằng, khi có sự xuất hiện của những người xài chùa (free-rider), sự hợp tác giảm dần, nhưng mà không phải theo kiểu dễ tiêu hao nội công.

6. Tác giả nhận định vốn xã hội thấp là "mối bận tâm của không ít nhà đầu tư nước ngoài khi phải giải quyết các tranh chấp với người lao động trong các vụ đình công".

Càng phân tán càng dễ xử lý. Người lao động mà gắn bó chặt chẽ với nhau, tin nhau, hợp tác với nhau tốt thì mấy thằng tư bản phải lo mà tăng lương cải thiện điều kiện lao động đấy nhé.

7. Tác giả viết "Tôn giáo cũng góp phần đáng kể trong việc hình thành vốn xã hội".

Robert Putnam chỉ ra rằng đạo Tin Lành ở Ý là trở ngại cho việc hình thành vốn xã hội. Các nhà nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng xung đột giữa các tôn giáo thường phá hỏng vốn xã hội. Một nghiên cứu mới đây trên American Economic Review cho thấy sự hợp tác (tức vốn xã hội) ở những xã hội mẫu hệ là rất cao, trong khi ở nhóm Hồi giáo là thấp.

8. Tác giả viết "không ít người cho rằng kẻ thù lớn nhất của quá trình tích lũy và phát triển nguồn vốn xã hội chính là tham nhũng"

Có nghiên cứu chỉ ra rằng tham nhũng làm giảm vốn xã hội. Nhưng chưa thấy nghiên cứu nào nói tham nhũng là cản trở lớn nhất của việc phát triển vốn xã hội.

9. Tác giả viết "Đất nước ta với bề dày lịch sử và nhân văn lâu đời đã có nhiều giai đoạn nguồn vốn này phát triển rất mạnh. Đáng tiếc là trải qua nhiều biến động nay nguồn ấy đã suy kém dần."

Có 2 trường phái chính trong việc đánh giá tính ổn định của vốn xã hội: trường phái văn hóa và trường phái thể chế. Trường phái văn hóa thì cho rằng vốn xã hội khá bền vững, ít biến đổi theo thời gian, do được hình thành từ các yếu tố văn hóa lịch sử. Trường phái thể chế thì cho rằng vốn xã hội bị quy định bởi thể chế, cho nên có thể dễ thay đổi hơn. Bằng chứng số liệu của World Value Survey từ 1980 đến nay trên toàn thế giới cho thấy vốn xã hội (dùng chỉ số lòng tin làm đại diện) khá ổn định.

Truy ngược lại lượng hóa vốn xã hội trong lịch sử dường như là nhiệm vụ bất khả. Dù bạn có thành lập được nhóm nghiên cứu có bạn, Fukuyama, Putnam, Glaeser và Jared Diamond bạn cũng sẽ chào thua không chứng minh được nhận định này.

10. Tác giả viết "Vốn xã hội ở mức thấp thì dù có thu hút nhiều loại vốn vật chất khác nhiều đến đâu cũng khó đạt được một mức phát triển kinh tế cao và bền vững như mong muốn".

Có 2 trường phái mô hình hóa vốn xã hội: xem vốn xã hội là một production factor và xem vốn xã hội là factor productivity. Cả 2 trường phái đều chưa đưa ra bằng chứng rõ ràng vốn xã hội ảnh hưởng tác các loại input khác như thế nào. Tác giả đã khẳng định 1 câu đanh thép thế, các nhà nghiên cứu ở nhà bế con cho rồi, nghiên cứu làm chi nữa cho nhọc.

Tui không biết tác giả bài báo là ai, không có ý định chỉ trích cá nhân tác giả, chỉ mượn bài báo để nhắc các nhà báo đi ăn trưa nhớ mời chuyên gia nhé.

Quên, thêm chút nữa: nhớ mời đúng chuyên gia nhé, chứ không uổng tiền cơm.

17 tháng 3, 2010

Việt Nam mình nà nhất...

1. Một người bạn Thụy Điển vừa kể là cách đây mấy tuần, lòng bàn tay của bà xuất hiện mấy vết nám. Bà rất lo lắng và quyết định đi khám. Bà đến 4 bác sĩ. Cả 4 bác sĩ đều nói "không", không biết đây là bệnh gì, và không cho thuốc. Bà về nhà tức tối lắm, nhưng không biết làm sao, đành lo lắng và chờ mấy vết thâm này biến mất dần vậy.

Giá mà bà ở Việt Nam nhỉ, đảm bảo bà sẽ không phải lo lắng như vậy. Bà mà đến khám với bất kỳ bác sĩ nào, kể cả bác sĩ nha khoa, các bác sĩ đều định được bệnh ngay và cho thuốc về sung sướng mà uống nhé.

2. Đến thăm trường Kinh tế Luân Đôn (London School of Economics), nữ hoàng Anh hỏi:“Tại sao không ai tiên đoán được cuộc khủng hoảng tín dụng hiện nay?”

Giá mà bà ở Việt Nam nhỉ, đảm bảo bà sẽ không hỏi như vậy. Đây nè, các vị bên Anh xem đây: "Xây dựng mô hình cảnh báo khủng hoảng tài chính và những khuyến nghị cho Việt Nam" là đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên làm đấy nhé. Được ban giám khảo chấm giải nhất cấp Bộ đấy.

Việt Nam mình nà nhất...

16 tháng 3, 2010

Lý thuyết tác động tràn (crowding theory)

Sự kiện tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh chọn boxitvn làm nơi đầu tiên đưa ra công luận vụ cho nước lạ thuê rừng đầu nguồn và phát biểu của cô Lê Thị Công Nhân sau khi ra tù có 1 điểm chung: sự trừng phạt làm đối tượng lớn mạnh hơn.

Boxitvn một thời gian dài bị tin tặc tấn công. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhà giáo Phạm Toàn, 2 người chủ trì trang web, được an ninh mời làm việc trong nhiều ngày. Sóng gió nay đã tạm lắng. Những người chủ trì quyết tâm hơn. Nhiều nhân vật có uy tín chọn boxitvn là nơi gửi gắm ý kiến ra công luận. Anh Ba Sàm nhận định boxitvn đang thành sân chơi cho các tướng lĩnh về hưu.

Cô Lê Thị Công Nhân, sau khi ra tù, đã trả lời phỏng vấn VOA: “Chính nhờ việc ở tù đấy đã củng cố hơn niềm tin của tôi vào sự đúng đắn của con đường mà tôi đã lựa chọn. Trước đây nó là một mũi tên, và bây giờ nó là một thành trì”.

Các nhà kinh tế học* gần đây cho rằng hành vi của con người được điều khiển bởi 3 động cơ: động cơ vật chất (extrinsic motivation), động cơ nội tại mang tính xã hội (intrinsic motivation) và động cơ xây dựng hình ảnh cho bản thân (image concern). Quy luật căn bản của kinh tế học chính thống cho rằng tăng hay giảm động cơ vật chất sẽ điều khiển được hành vi của con người. Muốn người ta tăng cường làm cái gì đó, hãy tăng phần thưởng vật chất. Muốn người ta giảm làm cái gì đó, hãy làm chi phí thực hiện việc đó tăng, bằng quy định hay hình phạt chẳng hạn.

Muốn người ta ngừng làm trang web, hãy làm sao cho người ta trả giá đắt khi vẫn cố làm điều đó. Muốn người ta ngừng đấu tranh dân chủ, hãy làm sao cho người ta trả giá đắt khi vẫn cố làm điều đó.

Tuy nhiên lý thuyết tác động tràn lại có thể chỉ ra kết quả khác. Việc tăng động cơ vật chất (bằng phần thưởng chẳng hạn) có thể có ”tác động tràn” không mong muốn làm giảm động cơ xã hội, dẫn đến thay đổi hành vi theo hướng ngược lại. Bằng chứng từ số liệu thực tế và các thực nghiệm kinh tế cho thấy trao phần thưởng cho các tình nguyện viên làm giảm sự đóng góp của họ. Ở đây động cơ vật chất (phần thưởng) không có tác dụng khuyến khích tăng chất lượng công việc, ngược lại nó làm giảm động cơ muốn phục vụ xã hội của các tình nguyện viên. Tương tự, khi một số nhà trẻ áp dụng tiền phạt cho những phụ huynh đến đón con trễ, họ nhận ra rằng tình hình đón con trễ càng tồi tệ hơn. Nếu không có tiền phạt, động cơ xã hội của phụ huynh bảo họ rằng đến đón con trễ là làm phiền cô giáo, là không tử tế. Ở đây, tiền phạt (động cơ vật chất) đã làm xói mòn động cơ xã hội.

Sẽ không ngạc nhiên nếu sự đàn áp có thể biến một mũi tên thành một thành trì.


* chẳng hạn Bénabou and Tirole (2006) ”Incentives and Prosocial Behavior”, American Economic Review, 95 (5): 1652 – 1678.

12 tháng 3, 2010

Đạo sách

Mấy hôm nay báo chí có bài về nghi án đạo sách trong khối kinh tế. Một số tác giả của sách C bị các tác giả của sách B tố là đạo sách của mình.

Sách C là đạo từ sách B.

Thiên hạ lại râm ran chuyện này nữa: không chừng sách B đó lại đạo từ sách A nào đấy thì sao. Mà nếu tác giả sách A là người nước ngoài thì sao mà biết sách B tiếng Việt đạo từ sách A tiếng Anh mà kiện?

Tui cực lực phản đối các thế lực thù địch thực hiện những âm mưu diễn biến hòa bình gây tin đồn nhảm như thế này nhằm làm giảm giá trị nền giáo dục và đào tạo mà thầy Nhân đang ngày đêm ngày đêm chăm sóc. Không lẽ các thầy Việt Nam không đủ sức viết giáo trình mà phải đạo sách từ bọn tư bản?

Nhằm dập tắt ngay những âm mưu này, đề nghị các thầy sách B minh định ngay cho ạ.

11 tháng 3, 2010

Điểm tin 11/03/2010

- Bạn nào có xe Toyota: hãy yên tâm. Trên The New York Times, bác gs tâm lý học này cho rằng phần lớn các tai nạn do tăng tốc đột ngột đều là do người lái. Bộ não ra lệnh đạp thắng, nhưng chân thì đạp ga...rồi sau đó tường trình lại với cảnh sát là tao đạp thắng hoài mà nó không ăn, xe cứ vọt lên hoài...


Còn bác này thì tỉ mẩn tính ra rằng nếu bạn không thèm thay chân ga của con Toyota của bạn, xác suất chết của bạn là 2.8/1000000 trong vòng 2 năm nữa nếu bạn đang sống ở Hoa Kỳ. Còn xác suất chết của bạn vì tai nạn xe cộ, bất kể bạn lái xe gì, ở Hoa Kỳ trong 2 năm nữa là 1/5244 (sao dễ chết vậy trời, không biết có lộn không).

Nếu bạn ở Việt Nam: xác suất với Toyota chắc cũng như ở Hoa kỳ, trong khi xác suất bị tai nạn giao thông chắc chắn cao hơn Hoa kỳ. Yên tâm với Toyota nhé.

- Bạn nữ nào đang muốn giữ eo, không phát tướng: hãy uống 1 - 2 chai bia mỗi ngày. Theo the New York Times, nghiên cứu mới nhất cho thấy phụ nữ không uống rượu bia sẽ tăng cân nhanh hơn những người có uống. Kết quả này không áp dụng cho đàn ông.

Xem chi tiết ở đây.