14 tháng 4, 2010

Kinh tế học của bằng đại học về Kinh tế chính trị

Nghe giang hồ đồn ĐHKT chuẩn bị mở lớp Văn bằng 2 Kinh tế Chính trị, nghĩa là những người đã có bằng ĐH rồi thì có thể tối tối đến hoặc không đến giảng đường, sau 2 năm sẽ có 1 bằng đại học nữa. Mà bằng này thì được xem là tương đương với Cao cấp lý luận chính trị.

Tui ủng hộ quyết định mở lớp này. Quyết định này hoàn toàn đúng theo chủ trương của bộ trưởng bộ GD-ĐT về đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường. Mà đã là đại học chuyên về kinh tế thì ta phải làm thế nào để tổ chức phi vụ này thật khoa học và bài bản kinh tế học. Tui thử làm quân sư quạt mo xem sao.

Một thị trường có 3 yếu tố chính: cầu, cung và giá cả.

- Cầu: người mua dịch vụ có sự ưa thích (preferences) của họ đối với sản phẩm. Nghĩa là họ phải cân nhắc xem mua và dùng sản phẩm thì đem lại hữu dụng cho bản thân như thế nào, có xem xét tới điều kiện giới hạn ngân sách nữa. Cụ thể hóa của sự ưa thích này là giá sẵn lòng trả (willingness to pay) của họ đối với sản phẩm.

- Cung: ta độc quyền cung rồi - a monopolist. Do đó ta có thể định giá độc quyền. Dĩ nhiên cung cấp sản phẩm phải tốn chi phí. Ta cần định giá sản phẩm sao cho có thể tối đa hóa thu nhập ròng (nghĩa là tối đa hóa khoản (giá*số học viên - chi phí trên 1 học viên*số học viên)). Nhớ là số học viên lại là một hàm số của giá.

Cần lưu ý hàng hóa trong trường hợp này là hàng hóa dùng lâu bền - durable good, người mua chỉ mua một lần, nếu đã mua hôm nay thì mai không mua nữa. Theo lý thuyết, nhà cung cấp độc quyền cạnh tranh với chính mình: nếu bán hôm nay thì sẽ giảm lượng cầu vào ngày mai.

Vấn đề của ta, nhà cung cấp, là xác định số học viên 1 khóa học và giá (học phí). Có thể có bạn cho rằng học phí được quy định bởi bộ GD-ĐT. Nhưng không sao, đó chỉ là khoản thu chính thức, ta có nhiều cách để đạt được mức giá ta muốn (các trường phổ thông cơ sở còn biết cách số vàng thì ta đại học hà cớ gì không biết nhiều cách hay hơn).

Số học viên 1 năm học không thể quá lớn, mà phụ thuộc vào năng lực cung cấp của ta nữa (số ghế ngồi, số giáo viên, giới hạn của Bộ). Ta cứ lấy mức tối đa mà Bộ cho phép tuyển sinh. Bây giờ cái khó là đặt giá độc quyền đây.

Nhưng để đặt được giá độc quyền để tối đa hóa lợi nhuận, ta phải biết được giá sẵn lòng trả (WTP) của học viên. Thông thường trên thị trường cạnh tranh, WTP chính là giá thị trường. Ví dụ một chương trình đào tạo MBA thu 4000 USD/học viên/năm học thì con số này chính là WTP của học viên. Nhưng vấn đề khó ở đây là ta chưa có thị trường đào tạo VB2 Kinh tế chính trị, cho nên chưa có giá thị trường, cho nên không thể suy ra WTP được.

Lúc này phải xác định giá sẵn lòng trả bằng phương pháp dùng thị trường giả định (hypothetical market). Một trong những kỹ thuật đánh giá có thể dùng được là kỹ thuật "thực nghiệm lựa chọn" (choice experiment). Ta sẽ thiết kế các chọn lựa (choice set) khác nhau, mỗi choi set sẽ có 1 số phương án (alternatives), mỗi phương án lại có những mức đặc tính khác nhau (attribute levels). Ta phải thực hiện thiết kế thực nghiệm (experimental design) sao đó để khu thu thập số liệu xong, ta có thể dùng multinomial models để phân tích và tính toán ra WTP cho từng đặc tính và cho cả khóa học văn bằng 2 này.

A, nhớ ra rồi, hình như ĐHKT chuẩn bị mở lớp "Phương pháp nghiên cứu định lượng 3", mà nội dung lại dạy vể phương pháp thiết kế thực nghiệm, thực nghiệm lựa chọn v.v. Sao trường không nhân đây đề nghị thầy phụ trách cho cả lớp làm đề án tính toán giá sẵn lòng trả cho VB 2 Kinh tế chính trị nhỉ? Vừa có nghiên cứu tình huống thực tế cho lớp học, vừa có sản phẩm ứng dụng phục vụ việc ra quyết định (về giá độc quyền) của trường.

(Một sản phẩm phụ của nghiên cứu này sẽ là so sánh xem giá sẵn lòng trả cho bằng ĐH về kinh tế chính trị với bằng đại học về chuyên ngành khác, ngân hàng chẳng hạn).

Không có nhận xét nào: