Sự kiện tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh chọn boxitvn làm nơi đầu tiên đưa ra công luận vụ cho nước lạ thuê rừng đầu nguồn và phát biểu của cô Lê Thị Công Nhân sau khi ra tù có 1 điểm chung: sự trừng phạt làm đối tượng lớn mạnh hơn.
Boxitvn một thời gian dài bị tin tặc tấn công. Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và nhà giáo Phạm Toàn, 2 người chủ trì trang web, được an ninh mời làm việc trong nhiều ngày. Sóng gió nay đã tạm lắng. Những người chủ trì quyết tâm hơn. Nhiều nhân vật có uy tín chọn boxitvn là nơi gửi gắm ý kiến ra công luận. Anh Ba Sàm nhận định boxitvn đang thành sân chơi cho các tướng lĩnh về hưu.
Cô Lê Thị Công Nhân, sau khi ra tù, đã trả lời phỏng vấn VOA: “Chính nhờ việc ở tù đấy đã củng cố hơn niềm tin của tôi vào sự đúng đắn của con đường mà tôi đã lựa chọn. Trước đây nó là một mũi tên, và bây giờ nó là một thành trì”.
Các nhà kinh tế học* gần đây cho rằng hành vi của con người được điều khiển bởi 3 động cơ: động cơ vật chất (extrinsic motivation), động cơ nội tại mang tính xã hội (intrinsic motivation) và động cơ xây dựng hình ảnh cho bản thân (image concern). Quy luật căn bản của kinh tế học chính thống cho rằng tăng hay giảm động cơ vật chất sẽ điều khiển được hành vi của con người. Muốn người ta tăng cường làm cái gì đó, hãy tăng phần thưởng vật chất. Muốn người ta giảm làm cái gì đó, hãy làm chi phí thực hiện việc đó tăng, bằng quy định hay hình phạt chẳng hạn.
Muốn người ta ngừng làm trang web, hãy làm sao cho người ta trả giá đắt khi vẫn cố làm điều đó. Muốn người ta ngừng đấu tranh dân chủ, hãy làm sao cho người ta trả giá đắt khi vẫn cố làm điều đó.
Tuy nhiên lý thuyết tác động tràn lại có thể chỉ ra kết quả khác. Việc tăng động cơ vật chất (bằng phần thưởng chẳng hạn) có thể có ”tác động tràn” không mong muốn làm giảm động cơ xã hội, dẫn đến thay đổi hành vi theo hướng ngược lại. Bằng chứng từ số liệu thực tế và các thực nghiệm kinh tế cho thấy trao phần thưởng cho các tình nguyện viên làm giảm sự đóng góp của họ. Ở đây động cơ vật chất (phần thưởng) không có tác dụng khuyến khích tăng chất lượng công việc, ngược lại nó làm giảm động cơ muốn phục vụ xã hội của các tình nguyện viên. Tương tự, khi một số nhà trẻ áp dụng tiền phạt cho những phụ huynh đến đón con trễ, họ nhận ra rằng tình hình đón con trễ càng tồi tệ hơn. Nếu không có tiền phạt, động cơ xã hội của phụ huynh bảo họ rằng đến đón con trễ là làm phiền cô giáo, là không tử tế. Ở đây, tiền phạt (động cơ vật chất) đã làm xói mòn động cơ xã hội.
Sẽ không ngạc nhiên nếu sự đàn áp có thể biến một mũi tên thành một thành trì.
* chẳng hạn Bénabou and Tirole (2006) ”Incentives and Prosocial Behavior”, American Economic Review, 95 (5): 1652 – 1678.
16 tháng 3, 2010
Lý thuyết tác động tràn (crowding theory)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
3 nhận xét:
Hình như điều kiện để tác động tràn xuất hiện và có khả năng lấn át lớn đối với tác động giá (price effect) vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng và hoàn chỉnh phải không ạ? Em đọc một số bài nhưng chưa thấy lý giải hoàn chỉnh về những điều kiện này.
Em nghĩ 2 trường hợp này rơi vào tình trạng intrinsic motivation quan trọng đối với hành động hơn là các động cơ khác. Vì trang web là do bỏ công không ra làm còn TH kia rõ ràng là không hợp lý (irrational) nếu xét theo tính toán vật chất bình thường. Cho nên crowding effect mới có tác động lấn át mạnh.
Thầy ơi, có lý thuyết nào là lý thuyết về spill-over effect của không ạ? Em nghĩ phải thêm cái này mới biến mũi tên thành thành trì được :D
Bạn rất đúng. Trong phần kết luận bài review của mình về crowding theory, Frey and Jegen (2001) có kêu gọi nghiên cứu về các điều kiện để tác động tràn xuất hiện. Có 1 bài khá được về vấn đề này: Vollan (2008) Socio-ecological explanations for crowding-out effects from economic field experiments in southern Africa. Ecological Economics. Vol 67: 560 - 573.
Tôi cũng đồng ý với giả thuyết của bạn về "intrinsic motivation" của người đó lớn thì có thể sẽ có tác động lớn. Theo cách phân loại của Frey and Jegen thì bạn theo preference approach khi lý giải tác động này. Bằng chứng thực nghiệm chỉ ra một số người có "social preference" nhiều hơn những người khác. Tôi chưa biết nghiên cứu nào chỉ ra crowding effect có tác động mạnh lên những người này.
Theo tôi thì tác động lan tỏa (spill over effect) là 1 kiểu ngoại tác (externality). Tôi chưa thấy rõ tại sao spill over lại biến mũi tên thành thành trì được. Hay là suy luận theo kiểu này: bỏ tù cô Công Nhân còn có tác dụng lan tỏa là làm những người đấu tranh khác sợ, và cô Công Nhân thấy điều này nên càng quyết tâm (tăng image concern effects???).
Dạ tại em có từng đọc 1 số bài về social movement spillover, theo đó hoạt động vận động xã hội của 1 người/1 group người/1 nhóm lợi ích có thể dẫn đến thay đổi nhận thức và kéo theo hoạt động của các nhóm khác từ đó tạo thành 1 làn sóng đòi thay đổi thể chế. Nên em chỉ nghĩ không biết nếu crowding effect của 1 TH mạnh -> những người khác cũng theo đó mà mạnh lên.
Nghị
Đăng nhận xét