29 tháng 3, 2010

Lý thuyết đàn hồi và khủng hoảng kinh tế

Bữa nay tui bạo gan nói về "khủng hoảng kinh tế". Số là the New York Times vừa có bài của Greg Mankiw về phải làm gì để chiến đấu với khủng hoảng kinh tế. Mankiw cho rằng thiệt là khó có thể dự báo khủng hoảng kinh tế (có lẽ vì các nhà kinh tế học đang khủng hoảng he...he...) và khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong tương lai. Cho nên tốt hơn hết là bà con nên phòng cơ tích trữ, mì tôm, mắm ruốc v.v. Có bồ nhí thì nhớ mua bảo hiểm cho nó.

Tui chợt nhớ về cái lý thuyết đàn hồi (Resilience theory) mà tui được khai lòng 2 năm trước. Cái lý thuyết này bắt nguồn từ lý thuyết hệ thống sinh thái. Hệ thống sinh thái nào, chẳng hạn rừng ngập mặn, có khả năng đàn hồi cao thì khả năng sống sót và phát triển qua cơn bĩ cực (ví dụ như bão tố, sâu bệnh) bấy nhiêu. Sau này lý thuyết mở rộng ra, đưa thêm khái niệm xã hội vô, thành ra tính đàn hồi của hệ thống sinh thái-xã hội trước biến cố rủi ro. (Xem thêm về lý thuyết này ở Stockholm Resilience Center mà tác giả Nobel kinh tế học năm nay Elinor Ostrom là một thành viên hội đồng. Nóng chưa?)

Giải thích tính đàn hồi bằng hình vẽ hen.





Cái hố tròn tròn trên hình bên trên là để nói khả năng đàn hồi lớn hay nhỏ. Hố càng rộng càng sâu thì khả năng đàn hồi càng lớn. Cái hình đồ thị bên dưới là để diễn tả hệ thống khi có khủng hoảng/sốc/rủi ro. Hình (a): hệ thống (là cái viên tròn tròn đó) đang ở trạng thái cân bằng ban đầu. Hình (b): vì lý do gì đó, khả năng đàn hồi bị giảm, cái hố giãn ra. Hình (c): khủng hoảng đến (là mũi tên đó) tác động vào hệ thống. Hình (d): do tính đàn hồi kém, khủng hoảng đẩy hệ thống rơi vào trạng thái cân bằng mới, thấp hơn trạng thái ban đầu.

Bây giờ tui mở rộng lý thuyết đàn hồi này cho toàn bộ nền kinh tế luôn (ghê hông? tui không biết đã có ai nói về chuyện này chưa). Mankiw cho rằng khủng hoảng kinh tế là khó có thể dự báo được. Qua rồi cái thời cứ ầm ầm tiến lên phía trước và tin rằng chúng ta có thể chiến thắng được tất cả. Cho nên cần phải tư duy lại cách thức tổ chức nền kinh tế. Theo tui cần tư duy theo kiểu lý thuyết đàn hồi, tức là cần chuẩn bị và xây dựng hệ thống kinh tế ở trong 1 cái khung có tính đàn hồi cao, để khủng hoảng có xảy ra thì cũng không đủ sức đẩy nó ra khỏi trạng thái cân bằng cao mà rơi xuống trạng thái cân bằng ở vực thẳm.

Nghĩa là phải làm thế nào để cái hố chứa nền kinh tế của chúng ta bây giờ vừa rộng, vừa sâu, vừa dốc. Bộ Chính trị ra nghị quyết như thế nhé. Các đồng chí bên dưới triển khai nghiên cứu tiếp "rộng, sâu, dốc" là cái gì nhé, và làm thế nào để hoàn thành nghị quyết nhé.

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Dạ, mô hình này là mô hình ưa thích của mấy thầy bên em, vì thi cứ thấy hỏi hoài. Hôm nọ em có học lý thuyết này trong môn ERE3, có hỏi thầy em về phạm vi ứng dụng của nó, thì hình như chưa có ai áp dụng cho kinh tế vĩ mô hết ạ :D. Em nghĩ thầy cùng BCT nếu nghiên cứu được "rộng, sâu, dốc" là gì thì sẽ gây tiếng vang lớn lớn lắm ạ :D.

(Mà không biết tại sao, nhưng em thấy kinh tế học chính thống rất không thích mấy mô hình kiểu này của bên thể chế, môi trường. Không biết tại em đọc ít nên chưa hiểu rõ hay là sao nữa.)
Nghị

Phạm Khánh Nam nói...

chắc do họ kiêu ngạo quá :-) Như Mankiw nhận xét, đã đến lúc các nhà kinh tế học khiêm tốn hơn...trong hồi 4 họ sẽ quan tâm hơn đến mô hình này?